Vài năm gần đây, mô hình cà phê sáng cùng nông dân, ngư dân, doanh nhân… đã được nhiều địa phương trong nước tổ chức khá thành công.
Trái với những hội nghị, những cuộc tiếp dân nặng tính hành chính, diễn ra trong không gian nghiêm túc tại công sở, đòi hỏi người tham dự phải chỉn chu từ lời ăn tiếng nói đến trang phục, thì ở những buổi cà phê sáng, nông dân, ngư dân, doanh nhân được gặp gỡ lãnh đạo, cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước trong không khí gần gũi, thân mật và cởi mở hơn.
Giữa không gian như vậy, người tham dự cũng thoải mái hơn, không quá gò bó, câu nệ chuyện ăn nói, thái độ. Khoảng cách giữa cơ quan công quyền với người dân gần hơn khi họ ngồi chung bàn cà phê. Từ đó, người dân, doanh nhân dễ mở lòng, thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc trong công việc, cuộc sống, những điều chưa hài lòng về cách quản lý, điều hành của chính quyền và hiến kế để chung sức đưa địa phương phát triển.
Tại huyện Long Điền, mô hình cà phê sáng cùng ngư dân đã được triển khai có hiệu quả. Bên ly cà phê sáng, ngư dân có cơ hội nói lên những khó khăn về ngư trường, những bất cập của thiết bị giám sát tàu cá trong quá trình đánh bắt trên biển, đồng thời đề xuất, bày tỏ nguyện vọng, yêu cầu chính đáng mong được hỗ trợ tiền xăng, dầu theo các chính sách của nhà nước đã được ban hành. Tham gia cà phê sáng cùng ngư dân, lãnh đạo huyện và một số sở, ngành vừa giải đáp, ghi nhận những thắc mắc, kiến nghị của ngư dân, vừa tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), qua đó vận động ngư dân chung tay cùng chính quyền gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với hải sản Việt Nam.
Tương tự, mô hình cà phê doanh nhân được thực hiện tại TP.Vũng Tàu mỗi tháng cũng là dịp để doanh nhân chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiến nghị chính quyền hướng giải quyết, tháo gỡ, đề xuất những ý tưởng, sáng kiến nhằm giúp thành phố phát triển tốt hơn.
Từ lâu, người Việt Nam đã có thói quen uống trà/cà phê vào mỗi buổi sáng. Bàn trà/cà phê có mọi thành phần dân cư, nghề nghiệp, trình độ, không phân biệt sang hèn, dân thường hay cán bộ, công chức. Bên ly cà phê, ngư dân, doanh nhân cũng bớt ngại ngùng, bởi khoảng cách với lãnh đạo chính quyền đã được thu hẹp, từ đó họ “rút hết ruột gan” để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với cán bộ, lãnh đạo. Ngược lại, những lời giải thích, tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước cũng dễ được họ tiếp nhận hơn.
Tùy theo đặc điểm địa bàn, mỗi địa phương lại có cách khác nhau để tiếp cận người dân, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở một cách chân thực, rõ ràng nhất. Điển hình như mô hình “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”, đang được nhiều phường, xã trên địa bàn tỉnh thực hiện. Thời gian tổ chức có thể là ban ngày hay buổi tối thứ Bảy. Việc cán bộ, công chức gặp gỡ nhân dân ngoài giờ hành chính tạo nên hình tượng người cán bộ gương mẫu, vì dân, tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc. Trong “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”, những ý kiến, thắc mắc của người dân được lãnh đạo chính quyền giải đáp, xử lý nếu thuộc thẩm quyền hoặc tiếp thu và sẽ chuyển đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Những bức xúc được tìm hiểu, giải tỏa từ cơ sở chính là biện pháp hiệu quả để tránh nảy sinh những vấn đề nổi cộm, kéo dài, là dập tắt đốm lửa không cho lây lan thành đám cháy.
Những mô hình, cách làm hay như vậy rất cần được biểu dương, nhân rộng, vận dụng sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh thực tế địa phương, để chính quyền thực sự gần dân, hiểu dân, là chính quyền thân thiện, vì dân. Từ đó, dân càng thêm tin theo Đảng, theo chính quyền.
NGUYỄN ĐỨC