Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, chiều 17/5, UBND tỉnh đã công bố quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ làm Tổ trưởng. Ở Trung ương, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt việc thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, Tổ công tác đặc biệt.
Hoạt động của các tổ này được DN, nhà đầu tư đánh giá cao, cho thấy tinh thần đồng hành, quan tâm, hỗ trợ với thông điệp “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển tải đã lan tỏa mạnh mẽ.
Tổ công tác đặc biệt được thành lập trong bối cảnh DN, nhà đầu tư đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới, cầu giảm, tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine… Không chỉ DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ mà ngay cả một số DN lớn cũng đang dần rút lui khỏi thị trường.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế rằng, nhiều DN lớn “đã phải bán gần hết tài sản; những gì bán được là đã bán và bán có 50% giá thực”. Tình hình còn khó khăn hơn cả thời điểm COVID-19 đang diễn ra. Đã có hơn 77.000 DN rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng qua, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, bình quân mỗi tháng, có gần 20.000 DN phải rời bỏ hoặc tạm rời bỏ kinh doanh.
Trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2023 mới đây, Bộ KH-ĐT cũng đưa ra những con số rất đáng lo ngại. Khả năng huy động vốn của DN trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đó là số vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ năm 2018. Số vốn đăng ký tăng thêm của DN đang hoạt động giảm tới 55,1% so với cùng kỳ năm 2022, đây là tỷ lệ giảm sâu nhất kể từ trước đến nay.
Cùng với đó, tổng vốn đăng ký của DN thành lập mới chỉ đạt 464.970 tỷ đồng, bằng hơn 70% tổng số vốn cùng kỳ trong các năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Năm 2021, con số này là 627.721 tỷ đồng, còn năm 2022 là 635.282 tỷ đồng. Có đến 14/17 lĩnh vực có sự sụt giảm về vốn đăng ký mới.
Có thể nhận thấy, có khó khăn lớn mà DN, nhà đầu tư phải đối mặt cần có sự hỗ trợ kịp thời của Tổ công tác đặc biệt nhanh chóng vào cuộc để giải quyết. Đó là sự thiếu hụt dòng tiền. Hiện hầu hết các DN, hiệp hội đều phản ánh tình trạng đơn hàng, doanh thu đều sụt giảm mạnh, dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến DN gặp khó trong chi trả lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Các DN cũng gặp khó trong trả lãi vay ngân hàng, nợ xấu tăng, khó tiếp cận khoản vay mới, gánh nặng chi phí thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong thời gian tạm ngưng hoạt động. Nguồn nguyên liệu ngày càng giảm, thiếu hụt, giá thành sản xuất hàng hóa tăng do chi phí đầu vào, phí vận chuyển hàng hóa tăng trong khi giá bán giảm.
Đây là những vấn đề mà DN, nhà đầu tư trong tỉnh mong muốn Tổ công tác đặc biệt lưu tâm. Và với sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng, bám sát thực tiễn của lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành trong việc tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, nhà đầu tư, kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ sớm phục hồi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hoàn thành các mục tiêu mà tỉnh đặt ra trong năm 2023 này.
NGÔ GIA