Tránh rơi vào "bẫy nghèo" khi về già

Thứ Năm, 14/04/2022, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Chú Hiển - bạn của bố tôi năm nay xấp xỉ tuổi 70. Gia cảnh sa sút suốt hơn chục năm qua, do gặp biến cố về bệnh tật sau tai nạn của cậu con trai duy nhất. Không lương hưu khi về già, dù trước đó chú từng công tác trong ngành văn hóa suốt những năm trước và sau giải phóng. Chú Hiển tâm sự, điều đáng tiếc nhất là chú đã nhận chế độ “một cục” từ BHXH nên không được hưởng lương hưu khi về già. Giá như hiện tại chú có lương hưu cũng sẽ đỡ chật vật cho vợ chồng già khi con cái chẳng may sa cơ.

Trường hợp như chú Hiển không phải là hiếm gặp, khi người lao động có tâm lý muốn nhận chế độ BHXH 1 lần, thay vì chờ đến tuổi nghỉ hưu để lĩnh lương hưu hàng tháng vì muốn giải quyết khó khăn trước mắt; hoặc do chưa được tiếp cận đầy đủ và hiểu hết về BHXH, nên đã quyết định rút BHXH 1 lần theo xu hướng “đám đông”. Trong khi đó, việc rời khỏi “lưới an sinh” khi còn trẻ, còn sức lao động, có thể để lại hệ lụy khi về già. Không có khoản thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống, nhất là những người có thu nhập thấp, không có khoản tích lũy, những người này rất dễ rơi vào “bẫy nghèo” khi về già.

Một nghịch lý đang diễn ra là, trong khi có nhiều lao động xin nhận chế độ BHXH 1 lần thì cũng lại nhiều lao động khác tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già. Trong số những người tham gia BHXH tự nguyện cũng có không ít trường hợp trước đó từng xin nhận chế độ 1 lần để được quay trở lại “lưới an sinh”. Việc tham gia BHXH, không chỉ đơn thuần để người lao động có cơ hội nhận lương hưu, mà còn liên quan nhiều chế độ khác như BHYT, tử tuất, thai sản… Vì vậy, không nên vì cái lợi trước mắt hoặc chạy theo yếu tố tâm lý thấy người khác rút 1 lần nên mình cũng hoang mang mà làm mất cơ hội hưởng lợi từ chính sách ưu việt này.

Trong suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều lao động bị ngưng việc, mất việc làm, khó khăn về kinh tế, làm tăng nhu cầu rút BHXH 1 lần nhằm giải quyết khó khăn trước mắt đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, gần 209.000 lao động chọn rút BHXH 1 lần trong 3 tháng đầu năm 2022. Tính hết tháng 3/2022, lao động rút BHXH 1 lần trên cả nước tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tại BR-VT, trong 3 tháng đầu năm 2022 đã có 3.944 lao động rút BHXH 1 lần, so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 10% (538 người).

Để người lao động khi gặp khó khăn vẫn yên tâm tham gia BHXH, rất cần đến những chính sách hỗ trợ kịp thời như cho vay ngắn hạn, hỗ trợ thu nhập hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm. Song song đó, cần mở rộng mạng lưới tiếp cận để người lao động đã từng rút BHXH 1 lần quay trở lại “lưới an sinh”, tiếp tục tham gia BHXH, kể cả ở hình thức BHXH tự nguyện.

Chính sách BHXH cũng cần được điều chỉnh linh hoạt về mức đóng và cách đóng, sao cho phù hợp nhất với từng nhóm lao động, kể cả đối với BHXH tự nguyện cũng cần mở rộng các lợi ích được hưởng tiệm cận với BHXH bắt buộc.

Bản thân người lao động nên chủ động tìm hiểu các chế độ, chính sách về BHXH và cân nhắc đến những mặt lợi, hại khi rời khỏi "lưới an sinh" ưu việt này, tránh được nguy cơ rơi vào “bẫy nghèo” khi không có sổ hưu.

LINH TRẦN

;
.