Theo số liệu mới đây của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 vừa qua đã tăng 3% so với bình quân cùng kỳ. Trong đó nhiều nhóm hàng tăng giá như: dịch vụ ăn uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình, chất đốt và vật liệu xây dựng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông... Đặc biệt, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, tác động đến các ngành sản xuất khác, thực hiện các dự án đầu tư và đời sống kinh tế - xã hội cũng tăng so cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài chính, nguồn cung sản phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn bảo đảm. Vì vậy tình hình giá cả trên thị trường có tăng nhưng không có hiện tượng sốt giá bất thường gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Thời gian qua, để bình ổn thị trường, các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên theo dõi sát diễn biến giá cả cụ thể của một số mặt hàng chính: giá lương thực, thực phẩm; giá vàng, đô la; giá vật tư và hàng tiêu dùng khác. Cùng với đó, chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá thuộc thẩm quyền của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh BR-VT còn tăng cường thông tin, tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình giá cả thị trường; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp; giá cước vận tải... Từ đó, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến giá cả thị trường. Do vậy, thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả trên thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội.
Cụ thể, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý kê khai giá, niêm yết giá, nhất là đối với vật tư y tế phòng chống dịch, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, hàng hóa...
Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. Đồng thời, có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
PHƯƠNG ANH