Đồng hành để chuyển đổi số thành công
Chưa bao giờ vấn đề chuyển đổi số lại được đề cập mạnh mẽ như thời gian gần đây. Nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về chuyển đổi số liên tục được các bộ ngành, chính quyền địa phương tổ chức, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này. Thực tế cho thấy chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên khắp các bộ, ngành,địa phương.
Tại BR-VT, hoạt động chuyển đổi số đã đạt được những kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Từ những kết quả đó, BR-VT có niềm tin để cam kết thực hiện chuyển đổi số thành công. Ông Phạm Viết Thanh,Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.
Tuy vậy, tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thúc đẩy chuyển đổi số giữa Bộ TT&TT và tỉnh BR-VT diễn ra ngày 29/3, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT có một phát biểu khá ấn tượng rằng, trong hành trình chuyển đổi số, tầm nhìn, quyết tâm của lãnh đạo là quan trọng nhất. Chuyển đổi số ở tỉnh BR-VT phải bắt đầu từ những “nỗi đau” của chính mình.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có một nhìn nhận thẳng thắn: Sự chuyển động trong hệ thống hành chính nhà nước thích ứng với thực thi công vụ trên môi trường mạng còn chậm; Nhận thức của một số cán bộ, công chức đối với sự thích ứng để thay đổi chưa thật sự sâu sắc, đầy đủ, ảnh hưởng đến quá trình dẫn dắt sự thay đổi ở các ngành, các cấp. Sự đồng hành tham gia của DN, người dân với chính quyền về chuyển đổi số chưa nhiều.
Quả thật, BR-VT có nhiều nỗ lực, điểm sáng nhưng trên hành trình chuyển đổi số quốc gia, vẫn chưa thể đi nhanh hơn bởi còn lực cản. Chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức, vậy nhưng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa hiểu, chưa thấy được hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động điều hành; Người dân và DN cũng chưa có nhu cầu và chưa thấy được lợi ích khi tham gia chuyển đổi số.
Không phải ngẫu nhiên mà tại các hội nghị, diễn đàn của tỉnh về chuyển đổi số, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy luôn nhấn mạnh quan điểm “Phải lấy người dân làm trung tâm chuyển đổi số”. Hoạt động của chính quyền số cần có sự tham gia của người dân thông qua các phương tiện số. Chính quyền chuyển đổi số để quản lý và phục vụ người dân tốt hơn. Ngược lại, DN, người dân cũng cần được khuyến khích tham gia chuyển đổi số vì chính bản thân mình. Nếu không có sự tham gia của DN, người dân thì chuyển đổi số khó thành công.
“Chỉ cần bỏ tiền đầu tư vào trang thiết bị công nghệ, tổ chức tập huấn là có thể hoàn thành chuyển đổi số” là một quan niệm hết sức sai lầm. Các chuyên gia đã từng phân tích chuyển đổi số thực chất là quá trình thay đổi, không chỉ về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về nhận thức. Để chuyển đổi số thành công, bên cạnh yếu tố công nghệ, việc chuyển đổi nhận thức của đội ngũ CBCC là điều hết sức quan trọng. Trong cuộc chuyển đổi này, lãnh đạo các sở ngành, chính quyền địa phương phải luôn đồng hành cùng CBCC và người dân trong việc xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ cũng như các vấn đề cốt lõi về chuyển đổi số để đội ngũ CBCC có thể giải quyết công việc.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân. Nó sẽ chỉ thành công khi có sự tham gia tích cực, đầy hứng khởi của các tổ chức, DN, người dân. Cần truyền thông nhiều hơn để CBCC, DN và người dân có chung một niềm tin rằng chuyển đổi số chính là con đường nhanh nhất để đưa đất nước phát triển bứt phá, từ đó thấy cần phải làm, muốn làm chuyển đổi số và có thể làm được.
Năm 2022, BR-VT tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có việc “thanh toán không dùng tiền mặt”, tăng tỉ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử lên 90%. Đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân… Những mục tiêu đó có thành hiện thực hay không tuỳ thuộc vào sự quyết tâm, đồng hành của đội ngũ CBCC, DN và người dân.
NGUYỄN HƯNG NHƠN