Bà Nguyễn Trần Ái Phương năm nay vừa tròn 70 tuổi, sống neo đơn, an nhàn ở một khu phố nhỏ sau thời gian dài buôn bán lặt vặt tại chợ đầu mối. Điều khác biệt với những cụ bà ở tuổi “xưa nay hiếm” ấy là mỗi năm bà đều đi du lịch đâu đó theo tour.
Bà Ái Phương có thể đi du lịch được không phải do khá giả, có của ăn của để mà chỉ là nhờ vào suất lương hưu ổn định mỗi tháng được trả từ cơ quan BHXH. Bà trích ra mỗi tháng một khoản nho nhỏ, tiết kiệm lại để làm chi phí khi có nhu cầu.
Bà Ái Phương là một trường hợp khá đặc biệt khi không đi làm ở cơ quan, xí nghiệp nào, chỉ là lao động tự do cũng có lương hưu ở tuổi già. Trước đó, bà thuộc diện có hoàn cảnh neo đơn, thu nhập bấp bênh. Tình cờ, năm 2010, bà biết được thông tin về BHXH tự nguyện nên đã đăng ký tham gia với mong muốn khi tuổi cao, sức yếu có nguồn kinh tế ổn định. Bà Ái Phương cho biết, nếu không có sự hỗ trợ thêm của các cháu trong gia đình phụ bà đóng phí hàng tháng, có lẽ khoản lương hưu hiện có của bà khó thành hiện thực.
Suất lương hưu khi về già, không còn khả năng lao động đối với những hoàn cảnh khó khăn là vô cùng quý giá, một phần tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, bảo đảm các điều kiện cơ bản; đặc biệt còn giảm áp lực cho cộng đồng, địa phương và là giải pháp an sinh xã hội tối ưu.
Điều đáng mừng, cuối tháng 2 vừa qua, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại 19 điểm cầu từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, trong quý I/2022, từ nguồn đóng góp, ủng hộ của cán bộ, đoàn viên toàn hệ thống Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với tổng số tiền 17,2 tỷ đồng. BHXH Việt Nam phối hợp với Vietcombank tổ chức tặng hơn 12 ngàn sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại 18 tỉnh, thành phố. Trong đó, riêng BR-VT có 170 sổ BHXH tự nguyện và 420 thẻ BHYT được trao tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Động thái tích cực trên của BHXH Việt Nam nhằm mở đầu cho một giải pháp an sinh xã hội mang tính bền vững và nhân văn mà các tỉnh, thành phố khác nên mở rộng, lan tỏa đến các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống ổn định khi về già, mất sức lao động.
Việc tặng sổ BHXH, thẻ BHYT còn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ thuộc diện nghèo, khó khăn, từng bước ổn định và nâng cao đời sống; góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình, mục tiêu giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Với nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu, chắc chắn rằng, sẽ không còn trường hợp nào “nghèo bền vững” như ví von của cán bộ làm công tác an sinh xã hội đối với những hoàn cảnh khó khăn đã quá tuổi lao động...
HẠ VY