Thoát bẫy nông nghiệp mù mờ

Thứ Năm, 24/03/2022, 18:30 [GMT+7]
In bài này
.

Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ NN-PTNT xây dựng và triển khai thực hiện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển biến từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đây cũng là chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tạo ra chuỗi giá trị gia tăng và giá trị ngành hàng so với giá trị gia tăng từ nâng cao sản lượng.

Từ nhiều năm nay, hoạt động sản xuất, nuôi trồng của ngành nông nghiệp nước ta gần như “thả nổi” để người nông dân tự bơi. Còn các địa phương hầu như cũng chỉ biết “cái mình có” là trồng được bao nhiêu ha lúa, cà phê, nhãn, thanh long, bưởi, xoài… còn những việc cụ thể hơn là “cái thị trường cần” như mùa vụ, sản lượng, chất lượng, yêu cầu của thị trường và của người tiêu dùng… thì chưa chắc chắn. Cũng vì sự chưa sâu sát, chưa chắc chắn đó nên đã xảy ra nhiều đợt phải giải cứu thị trường hàng hóa nông sản. Nào là giải cứu thanh long, dưa hấu, nhãn, cải củ, cà rốt… đến cả hành tím cũng chịu chung số phận long đong.

Câu chuyện ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu cũng là một trong những vấn đề đã được nhắc tới nhiều và nguyên nhân cũng đã được chỉ rõ. Song, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, chúng ta mắc chứng “hay quên”, lại thêm bệnh “tự bằng lòng” nên việc giải cứu hàng hóa, ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu đã trở thành điệp khúc. Sau những lần phải giải cứu nông sản, một loạt câu hỏi lớn đã được đặt ra, như: Sao không gia tăng chế biến hàng hóa nông sản mà lại xuất khẩu thô? Sao không chuẩn hóa chất lượng sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch? Tại sao lại lệ thuộc vào một thị trường lớn mà không đa dạng hóa? Sao không phát triển thị trường trong nước với 100 triệu dân?.

Việc xuất khẩu nông sản của chúng ta đôi khi giống như người “đi buôn chuyến”, “đánh cược” với những may rủi của thị trường, hơn là làm ăn chuyên nghiệp, hợp tác bài bản, kết nối cung - cầu chặt chẽ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thêm: “Nền nông nghiệp của chúng ta đang hết sức mù mờ. Mù mờ từ sản xuất cho tới thị trường. Mọi bẫy vướng mắc của chúng ta nằm ở 3 chỗ: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính”.

Sự “vênh nhau” giữa sản xuất và thị trường là căn bệnh trầm kha của nền nông nghiệp nước ta từ nhiều năm nay. Điều này bắt nguồn từ tư duy sản xuất nông nghiệp. Đó là tư duy mà phần lớn các địa phương vẫn áp dụng là chỉ chú ý tạo ra sản lượng hàng hóa nông sản, chứ chưa phải là tư duy kinh tế nông nghiệp là tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhìn vào bản tổng kết hàng năm của ngành nông nghiệp, chúng ta hồ hởi với những kết quả đạt được, với những vị trí top đầu của xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu…, nhưng chúng ta lại không nghĩ tới những rủi ro của người nông dân khi “được mùa mất giá” để có những giải pháp quản trị hiệu quả, để người làm nông không phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm thương lái và thị trường khi vào mùa thu hoạch.

Thoát bẫy nông nghiệp mù mờ phải trên cơ sở cân đối hài hòa, hợp lý giữa sản xuất và thị trường, đưa cung - cầu hàng hóa nông sản vào quỹ đạo kinh tế thị trường. Các địa phương cần nhanh chóng chuyển đổi tư duy, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trên cơ sở đó, nền nông nghiệp phải tạo ra những giá trị gia tăng, chứ không nên dừng lại ở việc gia tăng sản lượng hàng hóa nông sản. Chú trọng đưa vào ứng dụng công nghệ, công nghiệp 4.0 và tăng cường gia công chế biến thành phẩm, bảo quản, đóng gói bao bì và thương mại điện tử. Đồng thời, xúc tiến nhanh việc phân khúc thị trường để đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường mở trong những Hiệp định đối tác mà Việt Nam tham gia. Từ đó, tạo cú hích cho sản xuất nông nghiệp và thị trường hàng hóa nông sản.

HOÀNG LÊ

 
;
.