Không để cái ác lộng hành!

Thứ Hai, 28/03/2022, 18:48 [GMT+7]
In bài này
.

Một cô gái ở Ninh Bình đã bị bạn trai sát hại, phân xác rồi giấu trong nhà. Án mạng giết người được báo chí trong nước đưa tin sáng 27/3 khiến nhiều người kinh hãi, rùng mình. Nội dung mẩu tin cho biết, do ghen tuông, Phạm Văn Dũng (SN 1985) ở Ninh Bình đã bắt nhốt người tình là chị N.T.T. (SN 1992) sau đó sát hại dã man rồi phân xác bỏ vào 2 thùng xốp để phi tang.

Trong gần 3 tháng đầu năm 2022, nhiều vụ án gây rúng động dư luận - những vụ án mà tính chất man rợ, phi nhân tính được các nhà nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm khẳng định là “chưa hề có tiền lệ trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam”, đã được các cơ quan pháp luật điều tra, làm rõ và báo chí đưa tin. Nổi lên trong số đó là các vụ án mà kẻ thủ ác cũng như nạn nhân là người trong gia đình hoặc họ hàng, người thân. Nghịch tử giết cha mẹ, vợ giết chồng hoặc chồng sát hại vợ, cháu giết bà, huynh đệ cốt nhục tương tàn, người yêu trả thù tình… Sự “xuống tay” không kém phần lạnh lùng và độc ác mà vụ việc cô gái ở Ninh Bình bị bạn trai sát hại, phân xác gây chấn động dư luận mấy qua qua là một minh chứng.

Ngay tại BR-VT cũng không thiếu những vụ án có tính chất man rợ như thế: Do mâu thuẫn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày và bị cha ruột la mắng mà ngày 18/1/2022, Tống Thị Tùng Linh (SN 2001, trú tại TP.Bà Rịa) đã đầu độc giết cha, giấu xác, đốt nhà tạo hiện trường giả để phi tang. Nhiều năm trước, nghi ngờ vợ là chị Phan Thị Thuận (SN 1982) không chung thủy, Nguyễn Trung Hoàng (SN 1979, trú tại KP.Phước Hội, TT.Đất Đỏ) đã sát hại vợ, dùng các dụng cụ như dao, búa, đục cắt thi thể thành nhiều phần rồi đục tấm đan hầm cầu, bỏ xác cùng các vật dụng gây án xuống dưới để phi tang. Hành vi của những kẻ thủ ác vượt lên cả “tội ác thông thường” khiến người ta không khỏi rùng mình kinh sợ, nó cho thấy cái ác, phi nhân tính không chỉ xảy ra ngoài xã hội mà đã len lỏi vào tận gia đình. Kẻ thủ ác phải đền tội, trả giá nhưng câu chuyện khủng hoảng về đạo đức, lối sống, về giá trị gia đình thì vẫn chưa khép lại.

Tội ác giết người thân trong gia đình chỉ mới xuất hiện trong một vài năm trở lại đây nhưng các chuyên gia tâm lý xã hội cũng đã kịp thời phân “giải mã” nguyên nhân: đó là nền tảng truyền thống văn hóa tốt đẹp bị lung lay, đạo đức xã hội và nhân cách con người tha hóa xuống tận đáy. Hầu hết các kẻ thủ ác có trình độ văn hóa thấp, bị cuốn vào vòng xoáy chạy theo vật chất, mang nặng lối sống ích kỷ cá nhân. Đây chính là mầm mống sinh ra tội ác khiến họ giết hại đồng loại, người thân. Lối sống thực dụng, chạy theo những giá trị vật chất đã khiến không ít người đánh mất niềm tin, bất mãn, thù hận cuộc đời, lui về “cố thủ” trong cái tôi lạnh lùng, cô độc trong khi xã hội lại thiếu sự kết nối tính thiện, tính nhân văn, lòng thơm thảo. Trong bối cảnh đó, chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể phát sinh tội ác, hành vi cực kỳ lạnh lùng, vô nhân tính.

Nhiều chuyên gia về tâm lý xã hội cũng như pháp luật đều cho rằng, để ngăn chặn tội ác, vấn đề cần phải được giải quyết từ gốc, nghĩa là các mầm mống tội ác được hóa giải trước khi chúng bùng nổ thành hành vi. Với ý nghĩa đó, việc phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân để từ đó có các giải pháp cần được thực hiện kịp thời. Trong các giải pháp được đề cập, yếu tố giáo dục được để cao bởi nó giữ vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người.

Tất nhiên bên cạnh đó cũng cần đến công cụ pháp luật để thiết lập một xã hội lành mạnh, an toàn, văn minh. Đúng như Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an, đã chia sẻ, cần xử nghiêm tất cả hành vi vi phạm pháp luật, không có ngoại lệ, điều này sẽ tạo ra uy lực của pháp luật. Khi người dân cảm thấy pháp luật là phương tiện để bảo vệ mình thì họ sẽ tự nguyện chấp hành.

Tăng cường giáo dục pháp luật, các bài học về nhân cách, đạo đức, lối sống, tình thương, giảm bớt những “nút van” căng thẳng, áp lực nặng nề về cuộc sống, thu nhập, việc làm, học hành… hằng ngày chúng ta sẽ ít thấy những chuyện đau lòng xảy ra.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.