Sở TT-TT vừa phối hợp với các sở, ngành, địa phương, Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel Chi nhánh Vũng Tàu tổ chức cuộc họp, bàn giải pháp thúc đẩy đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) năm 2022. Nhiều mục tiêu đã được đề ra tại cuộc họp: 100% các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT; nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ trên các sàn TMĐT, được quảng bá rộng rãi với thị trường trong và ngoài nước.
Đó là minh chứng sinh động cho nỗ lực của các sở, ngành chức năng BR-VT trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. Không chỉ hướng dẫn nông dân, DN kết nối tiêu thụ nông sản qua các sàn TMĐT, các sở, ngành chức năng - đặc biệt là Sở TT-TT còn đồng hành, giúp nông dân, DN đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trước ngày dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, phần lớn nông dân BR-VT không biết nhiều về sàn TMĐT. Dịch bệnh ập đến và kéo dài, gây ra hàng loạt bất lợi trong các vấn đề sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đúng vào lúc ấy, Sở TT-TT đứng ra chủ trì, phối hợp các đơn vị bưu chính - viễn thông triển khai thí điểm kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Các đơn vị bưu điện, bưu chính Viettel đã tích cực hỗ trợ bà con nông dân cách đăng ký tài khoản, thiết lập gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn, quy trình vận chuyển, thanh toán; kinh nghiệm để tăng tương tác, thu hút sự chú ý khách hàng.
Sau một thời gian ngắn triển khai, hơn 10 ngàn tài khoản được tạo trên các sàn TMĐT cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm tấn rau, củ, quả, hàng thiết yếu đã được tiêu thụ qua mạng lưới bưu chính và qua sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn. Nhiều nông dân đã đã có thể tự tạo gian hàng và đăng bán các sản phẩm, nông sản thông qua sàn TMĐT, một số người còn tự mình “livestream” bán hàng trên không gian mạng.
BR-VT là 1 trong 4 địa phương có nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 nhất so với các địa phương trên cả nước. Đó là các sản phẩm hạt điều rang muối vỏ lụa, hạt điều mật ong; Tiêu xanh muối; Nước cốt nhàu; Tinh dầu nhàu cao cấp; Cá lạt khô tẩm gia vị; Bộ dao phay ngón; Cà phê phin giấy; Bộ chi tiết hoa văn… Khi nông dân, DN đã thành thạo việc kinh doanh trên môi trường số, chắc chắn các sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh sẽ được quảng bá rộng rãi, có điều kiện vươn xa trên thị trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích trên 5.000ha. Các công nghệ áp dụng gồm nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời. Đây chính là lợi thế để nông dân BR-VT đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tìm kiếm thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu hết vai trò quan trọng, lợi ích của công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh lý do chưa quen sử dụng công nghệ, không ít nông dân vẫn chưa thay đổi tư duy “bán hàng truyền thống”, một bộ phận còn hoài nghi hiệu quả của việc bán hàng trên sàn TMĐT. Thực tế cho thấy, kiến thức, kỹ năng của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, tỷ lệ nông dân hiểu về công nghệ và thành công vẫn là con số ít.
Muốn đẩy nhanh quá trình kết nối, tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT, xa hơn là thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, rõ ràng nông dân cần phải được đào tạo kỹ năng số. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng có một “định nghĩa” đơn giản và dễ hiểu về chuyển đổi số trong nông nghiệp như sau: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp không phải gì to tát, đầu tiên làm sao có nền tảng số và mỗi người nông dân đều có địa chỉ ở đó, từ đó, người nông dân tự kết nối, tự giới thiệu”. Với ý nghĩa đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho nông dân là việc cần được chú trọng đầu tiên.
Đồng hành, hỗ trợ nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số nhiều thách thức là trách nhiệm của chính quyền và các sở ngành chức năng, là cơ hội lớn để làm cuộc “đại thay đổi” cho nông nghiệp, nông thôn BR-VT.
NGUYỄN HƯNG NHƠN