Khi thời gian của năm đang tiến dần vào những ngày cuối cùng, một số địa phương đã công bố tin vui về thu ngân sách. Nói là tin vui vì năm 2021 được xem là năm khó khăn của nền kinh tế do COVID-19 hoành hành khắp nơi. Thế nhưng, những con số về thu ngân sách của các địa phương công bố không chỉ hoàn thành mà còn vượt kế hoạch đề ra.
Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết, thu ngân sách 11 tháng năm 2021 đạt 1,389 triệu tỷ đồng (tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái). Một nơi, mấy tháng trước như rơi vào bóng tối, ấy vậy mà, TP. Hồ Chí Minh mới đây đã công bố thu ngân sách vượt dự toán. Hải Phòng không những dẫn đầu tăng trưởng kinh tế, mà còn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước thu hút FDI (khoảng 3,13 tỷ USD). Nhiều địa phương khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Bình, Kiên Giang… đều có chỉ số tăng trưởng kinh tế khá và thu ngân sách vượt chỉ tiêu.
Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiều DN buộc phải ngừng sản xuất kinh doanh để bảo đảm công tác phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội làm cho doanh thu của các DN giảm mạnh, lượng hàng hóa tồn kho cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, Tổng cục Thuế và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức Cục Thuế, tình hình thu ngân sách năm 2021 đến thời điểm hiện nay tương đối khả quan. Số thu ngân sách 11 tháng qua đạt gần 56.958 tỷ đồng, đạt 117,9% dự toán pháp lệnh và bằng 101,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng phải ghi nhận rằng, để đạt được những con số khả quan như trên là nhờ thời gian qua, ngành thuế đã tập trung quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, lấy DN, người nộp thuế làm trung tâm, là động lực trong việc thực hiện cải cách. Trong đó, một trong những yếu tố không thể thiếu đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. Đến nay, đã có 97% DN thực hiện kê khai điện tử; 99,1% DN nộp thuế điện tử; 100% DN xuất khẩu và dự án đầu tư thực hiện hoàn thuế điện tử. Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, việc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong giao dịch thuế đã góp phần giảm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho DN.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, mới đây, Bộ Tài chính đã đưa vào hoạt động hóa đơn điện tử tại 6 địa phương và thực hiện tại 57 địa phương còn lại trong năm 2022. Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ thực hiện hoá đơn điện tử vào tháng 7/2022. Việc áp dụng hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, tiết kiệm chi phí cho DN và cho xã hội.
Để chuẩn bị cho bước chuyển biến làm thay đổi tư duy, thói quen của người dân, đặc biệt là doanh nghiệp, ngay từ bây giờ các DN cần chuẩn bị hệ thống hạ tầng, tìm nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử phù hợp, tìm hiểu về cách sử dụng hóa đơn điện tử để đến ngày 1/7/2022, tất cả người nộp thuế từ DN lớn đến DN vừa, DN nhỏ đến hộ kinh doanh khi thực hiện hóa đơn điện tử không còn bỡ ngỡ, sai sót, ảnh hưởng đến hoạt động.
NHẬT MINH
;