Tối 19/11, Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 đã chính thức diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. Sự kiện được tổ chức với các nghi lễ trang nghiêm, diễn ra tại nhiều địa phương, có sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương cùng thân nhân, gia đình đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong dịch COVID-19.
Trong gần 2 năm qua, kể từ khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Tính đến 19/11, toàn cầu có khoảng 256,5 triệu người nhiễm bệnh, trong đó hơn 5,15 triệu người tử vong, riêng Việt Nam có hơn 1 triệu người nhiễm và 23.500 người qua đời.
COVID-19 là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất, có sức tàn phá mạnh mẽ nhất và gây tử vong nhiều nhất trong thế giới hiện đại. Nó không chỉ khiến kinh tế thế giới bị đình trệ, các sinh hoạt đời thường của người dân bị đảo lộn mà còn tước đi sinh mạng của nhiều người. Những mất mát, đau thương đó là không gì có thể bù đắp được. Hầu hết những người mắc bệnh và khi qua đời đều trong tình trạng cô đơn, không có người thân bên cạnh. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong. Có những người đã bị đại dịch cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt, hàng ngàn em nhỏ trở thành trẻ mồ côi.
Từ khi dịch bệnh xảy ra, Đảng, nhà nước và hệ thống chính trị đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Song song đó, Chính phủ đã đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin cho người dân nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, Chính phủ và các địa phương cũng chú trọng thực hiện công tác an sinh xã hội. Nhiều chính sách của trung ương và địa phương đã được ban hành nhằm hỗ trợ tiền, hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để họ an tâm hợp tác cùng chính quyền phòng, chống dịch. Nhiều phong trào, mô hình quyên góp ủng hộ tiền của, vật chất cho công tác phòng, chống dịch và an sinh xã hội, giúp người khó khăn do dịch bệnh đã được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước hưởng ứng.
Nhờ vậy, từ khoảng đầu tháng 10, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong cả nước đến nay cũng đạt hơn 68% dân số. Trên cơ sở đó, đầu tháng 10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Theo đó, các địa phương đã từng bước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, tạo điều kiện để phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh “mở cửa” kinh tế, dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương, với số ca lây nhiễm ngoài cộng đồng ngày một tăng. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về đợt dịch thứ 5, nếu người dân, DN còn tình trạng chủ quan, lơ là trước đại dịch.
Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì dịch COVID-19 không chỉ là dịp để tưởng nhớ, cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng mà còn là dịp nhìn lại những gì đã trải qua để nhìn nhận lại cho đúng hơn về dịch bệnh. Thực tế cho thấy, dịch bệnh vẫn luôn trực chờ và sẵn sàng bùng phát trở lại như đã và đang xảy ra ở một số nước trên thế giới. Tưởng niệm người đã mất vì dịch bệnh cũng là dịp để chúng ta nhận diện rõ ràng hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó nhắc nhau cần tiếp tục đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan trước dịch bệnh; để hạn chế thấp nhất số người nhiễm bệnh và để ngày càng có ít người phải gánh chịu nỗi đau mất người thân vì dịch bệnh!
NGUYỄN ĐỨC