Mỗi ngày tôi lại nhận được một bản tin kêu gọi hỗ trợ nông sản. Hôm kia là nhãn, hôm qua là rau củ và bản tin mới nhất, là thủy sản nước ngọt. Chỉ tính riêng xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ đã tồn đọng 78 tấn cá nước ngọt các loại. Trong khi đó, nhiều địa phương có thế mạnh về nuôi thủy sản nước ngọt như Suối Rao (huyện Châu Đức), Láng Dài (huyện Đất Đỏ)… cũng đang “chưa biết làm gì” với hàng trăm tấn cá đến kỳ thu hoạch.
Chi phí mua thức ăn cho cá vẫn tăng lên hàng ngày. Số lượng được các tổ chức hội đoàn thể, DN hỗ trợ thu mua dù lên đến hàng tấn nhưng vẫn chỉ bằng 1-2 ngày thu hoạch, bán lẻ cho các chợ đầu mối. Bởi lẽ nguồn thủy sản nước ngọt như cá trắm, cá chình, cá chép… lâu nay được tiêu thụ ở các chợ đầu mối lớn nhất khu vực phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh, thậm chí được xuất khẩu sang Campuchia và một số nước khác.
Nhiều loại nông sản khác trên địa bàn tỉnh như chuối, mãng cầu ta, chanh, bắp, nấm, bưởi da xanh, nhãn đã và đang bước vào vụ thu hoạch đều rơi vào tình trạng giá giảm, khó tiêu thụ. Riêng nhãn vẫn còn tồn gần 900 tấn. Bên cạnh đó, gia cầm dư nguồn cung trầm trọng, giá gà lông trắng hiện chỉ còn 10.000 đồng/kg, thấp hơn 15.000 đồng so với giá thành.
Thống kê cho thấy, từ nay đến cuối năm, các tỉnh phía Nam sẽ có khoảng 6 triệu tấn trái cây; 5,7 triệu tấn rau các loại; 5 triệu tấn thủy sản và hàng triệu tấn thịt gia súc, gia cầm thu hoạch. Nguồn cung dồi dào nhưng khâu vận chuyển, lưu thông còn nhiều vướng mắc do các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, chuyện nông sản bị ùn ứ và giá rẻ sẽ khó tránh khỏi nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời.
Dịch COVID-19 rõ ràng đã và sẽ còn tiếp tục gây nhiều sức ép tới tiêu thụ nông sản. Giao thông đình trệ, giá cước vận tải tăng cao, hàng rào kiểm soát ngặt nghèo hơn khiến việc lưu thông sẽ còn khó khăn. Để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, thành phía Nam (Tổ công tác 970) đã được thành lập nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, trong đó có BR-VT. Ở góc độ địa phương, Sở NN-PTNT cũng đã lập danh sách với đầy đủ thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Các đầu mối tiếp nhận thông tin, kịp thời tham mưu xử lý các vấn đề có liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng được xây dựng.
Nhưng đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế, cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Rất cần các giải pháp mang tính căn cơ, bền vững cho thị trường nông sản. Bởi ngay cả khi chưa có dịch bệnh thì tình trạng nông sản dư thừa phải kêu gọi hỗ trợ vẫn thường xuyên xảy ra. Những giải pháp như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các chuỗi sản xuất, cung ứng để tạo ra "sức đề kháng" cho nông sản Việt phải được thực hiện một cách bài bản, thống nhất, xuyên suốt giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN tới nông dân. Ở đó, còn là một nền nông nghiệp dùng chuyển đổi số để minh bạch các dữ liệu đầu cung chuyển sang cho đầu cầu, giúp nông sản Việt phát triển bền vững. Đây là việc cần phải làm ngay, làm quyết liệt chứ không thể nói mãi.
NGÔ GIA