Tình người trong gian khó

Thứ Năm, 05/08/2021, 23:30 [GMT+7]
In bài này
.

Chung cư tôi đã trải qua 17 ngày phong tỏa vì liên quan đến ca COVID-19. Vài ngày đầu, do bị động, chưa chuẩn bị hàng hóa nên một số gia đình tỏ ra hoang mang, lo lắng, từ việc sợ dịch lây lan đến nguồn cung nhu yếu phẩm. Bởi lẽ, bình thường, việc giãn cách theo Chỉ thị 16 đã có ít nhiều bất tiện trong sinh hoạt vì phải hạn chế ra đường, nay người dân còn được yêu cầu không ra khỏi nhà.

Nhưng rồi mọi việc không khó như nhiều người nghĩ. Những ngày đầu phong tỏa, tổ dân phố, Ban quản trị chung cư vận động được các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ rau xanh, nhu yếu phẩm và phát đến từng nhà. Sau vài ngày, cuộc sống dần đi vào “nền nếp”. Ai quen mối bán hàng gì đều giới thiệu lên nhóm mạng xã hội Facebook và Zalo của chung cư. Các bà nội trợ có dịp trổ tài tự làm bánh mì, bánh bao, các món điểm tâm, ăn vặt và sẵn sàng chia sẻ cho cộng đồng với giá gốc. Nhà có nhiều rau củ chia bớt cho nhà chưa có. Gia đình trẻ, biết đặt hàng qua mạng, qua điện thoại thì tiện thể mua giùm gia đình người lớn tuổi. Đặc biệt, từ khi lực lượng đoàn viên thanh niên phường vào cuộc “đi chợ” giúp dân, những khó khăn về nguồn cung thực phẩm và hàng thiết yếu đã được khắc phục. Cư dân không còn lo thiếu hàng hóa nữa, chỉ việc nhắc nhau chấp hành nghiêm “5K”, không để phát sinh thêm ca F0 nào trong cộng đồng để nhanh chóng được gỡ phong tỏa. Tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt hơn.

Giữa lúc bộn bề khó khăn vì đại dịch, tình người càng được thể hiện một cách rõ nét nhất. Nó đã vượt ra khỏi phạm vi một gia đình, một khu phố, xóm làng mà đã lan tỏa rộng rãi ra khắp cộng đồng. Hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, một mặt lo phòng, chống dịch, một mặt tập trung chăm lo đời sống người dân với phương châm không để dân đói, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang được nhanh chóng chi trả, chính quyền địa phương, các tổ chức hội đoàn thể phường, xã còn tích cực vận động lương thực, thực phẩm để trao đến những gia đình khó khăn, neo đơn, lao động mất việc làm. Nhiều mô hình giúp đỡ được duy trì thường xuyên mỗi ngày, kể từ khi bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như: San sẻ yêu thương, gian hàng 0 đồng. Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng vừa công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin, sẵn sàng cung cấp lương thực, thực phẩm cho người gặp khó khăn…

Chung sức cùng chính quyền, các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã và đang có những việc làm thiết thực để hỗ trợ đồng bào. Những hình ảnh xúc động với tinh thần “lá lành đùm lá rách” cứ ngày một dài ra. Một anh shipper bị lừa mất chiếc xe máy - phương tiện kiếm cơm giữa mùa dịch - liền được một người tặng chiếc xe máy mới. Chị công nhân môi trường bị cướp xe trong đêm, lập tức được các anh công an quyên góp ủng hộ chiếc xe mới. Ngoài ra, chị này còn được các nhà hảo tâm khác tặng thêm… 4 chiếc xe. Chị nhận, nhưng sau đó tặng lại các đồng nghiệp vì “nhiều người còn khó khăn hơn mình”. Ở nơi khác, là những anh, những chị người dưng mang tiền, xăng, thực phẩm, nước uống ra đón đường để tặng người dân từ các tỉnh phía Nam đi xe máy về quê; là những nhóm nhà hảo tâm rủ nhau nấu cơm tặng người dân trong khu vực bị phong tỏa; là những túi gạo, thùng mì, chai mắm được trao đến từng phòng trọ có người khó khăn…

Danh sách những cách làm hay, hình ảnh đẹp, thể hiện tình thương thân tương ái của người Việt còn kéo dài khó mà kể hết. Hàng ngày, những tấm lòng hảo tâm ấy vẫn làm những việc nghĩa trong âm thầm, lặng lẽ. Việc làm đó không chỉ góp phần giúp người được nhận vơi bớt khó khăn mà còn gieo vào lòng họ niềm tin và hy vọng, để họ biết rằng mình không bị cộng đồng bỏ rơi. Đó là nguồn lực động viên để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, từ đó càng nhân lên những hạt mầm tốt đẹp trong xã hội.

NGUYỄN ĐỨC

;
.