Để phân xưởng luôn vận hành

Thứ Tư, 11/08/2021, 23:26 [GMT+7]
In bài này
.

Chủ một DN chuyên sản xuất kinh kiện điện tử chia sẻ, hơn 1 tháng qua anh chưa về nhà, cắm chốt tại nhà máy. Vợ cũng “3 tại chỗ” ở công ty. Đứa con nhỏ 5 tuổi gửi về ông bà nội. Còn con trai lớn 14 tuổi ở nhà một mình, tự lo.

Ngay khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, một chiến dịch "thần tốc" để xây dựng cơ sở cho hơn 300 công nhân lao động cách ly tại chỗ nhanh chóng được triển khai. Những cuộc họp giữa ban lãnh đạo công ty và các trưởng bộ phận tổ chức trực tuyến kéo dài đến 2, 3 giờ sáng. Chỉ trong vòng 2 ngày, các “cỗ máy” chủ chốt được kích hoạt hết công suất để kịp mua lều bạt, quạt, nhu yếu phẩm... “Tứ bề gian khó, chi phí sản xuất, xét nghiệm, vật tư y tế, công tác hậu cần… đã tăng lên gấp đôi. Nhưng không thể để đứt gãy sản xuất, đứt gãy các đơn hàng đã ký kết được. Bởi đứt gãy sản xuất cũng là đứt gãy công ăn việc làm, sinh kế người lao động. Nhờ vậy mà hơn 1 tháng qua những linh kiện điện tử, những con ốc vít… vẫn kịp đóng container vận chuyển sang Hàn Quốc dù không có lợi nhuận”, anh nói.

Không riêng gì DN kể trên. Trong bộn bề khó khăn hiện nay, việc duy trì nơi ăn ở, sản xuất tập trung một cách an toàn nhất là một lựa chọn cân não, nhưng các DN đã quyết tâm thực hiện để tạo thêm các nguồn lực chống dịch, giữ mục tiêu tăng trưởng, đơn hàng với đối tác. Nếu đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu hay đối tác hủy đơn hàng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Để các phân xưởng, dây chuyền sản xuất luôn sáng đèn cũng là cách duy trì và phục hồi kinh tế khi dịch đi qua.

Tuy nhiên, việc duy trì sản xuất không chỉ phụ thuộc vào mỗi DN mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN. Có thể thấy rất rõ, quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ là kiên trì thực hiện mục tiêu kép, có sự kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa mục tiêu chống dịch và mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội. Trong tuần qua, Chính phủ cũng đã liên tiếp ban hành các chính sách về giảm giá điện, nước, viễn thông và phí giao dịch ngân hàng cho người dân, xem xét giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất cho các DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19… Những chính sách này cho thấy sự thấu hiểu, đồng cam cộng khổ và chia sẻ của Chính phủ với những khó khăn vất vả mà người dân, DN đang phải đối phó.

Ở góc độ địa phương, UBND tỉnh cũng vừa ký văn bản gửi Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh BR-VT, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh BR-VT và UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tiếp tục hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch COVID- 19. Một yêu cầu mà UBND tỉnh đặt ra đối với Cục Thuế tỉnh là triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ, miễn giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất kịp thời cho các DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương; làm cẩm nang cụ thể hướng dẫn chính sách hỗ trợ, quy trình thực hiện ngắn gọn dễ hiểu để người dân, DN dễ dàng tiếp cận; mở đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý những phản ánh, khó khăn, vướng mắc của người dân, DN liên quan đến các chính sách hỗ trợ. Yêu cầu đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT là chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán và tiền tệ để hỗ trợ người dân và DN...

Các gói hỗ trợ được kỳ vọng nhằm gia tăng sức chống chịu của DN. Yêu cầu còn lại là vắc xin cho người lao động cần được giải quyết nhanh nhất, sớm nhất. Đây cũng là đòi hỏi sống còn để dây chuyền sản xuất tại các phân xưởng, nhà máy không bị đứt gãy và tiếp tục vận hành nhịp nhàng, xuyên suốt.

NGÔ GIA

;
.