Thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế

Thứ Năm, 01/07/2021, 21:08 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, nhiều vụ án kinh tế đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Nhằm nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vừa qua Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tội phạm trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và của các doanh nghiệp, xâm phạm đến khách thể là trật tự, môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả cũng như các cam kết của Nhà nước ta trong tiến trình hội nhập quốc tế. Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn là vấn đề khó khăn đối với các cơ quan tư pháp. Đặc biệt, trong bối cảnh tội phạm lợi dụng quyền tự do kinh doanh, luân chuyển, che giấu tài sản dưới nhiều hình thức tinh vi, thì việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, của các ngành chức năng trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế càng trở nên cấp thiết.

Số liệu từ một hội thảo chuyên đề “Thu hồi tài sản tham nhũng” do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức năm 2020 cho thấy, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trước năm 2013 ở mức rất thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số tài sản phải thu hồi; đến giai đoạn 2013-2020, kết quả này đã được nâng lên, đạt hơn 32%. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây (2019 và 2020) khi có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Riêng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong năm 2020, từ các vụ án kinh tế do Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, thu hồi bằng 61% tổng số tài sản đã thu hồi được trước đây. Điển hình như trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Tín, các cơ quan chức năng đã kê biên và phong tỏa gần 200 bất động sản, hơn 24 triệu cổ phần, cổ phiếu các loại; số tài sản có giá trị ước tính hơn 10.000 tỷ đồng. Trong các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), Viện KSND tối cao và Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phong tỏa số tiền 250 tỷ đồng, kê biên 25 bất động sản được định giá ước tính 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn nhiều vụ án tham nhũng, án kinh tế lớn chưa thu hồi được nhiều tài sản thất thoát; như vụ đánh bạc ngàn tỷ do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam tổ chức, chỉ mới thu hồi được 2.000 tỷ đồng trong số 3.700 tỷ đồng phải thu hồi.

Nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế còn thấp là do nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng vẫn còn hạn chế. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án có lúc, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, do quá trình điều tra, xét hỏi thực hiện trong thời gian dài, nên các bị can, bị cáo đã kịp tẩu tán tài sản tham nhũng trước khi bị khởi tố điều tra…

Trong giai đoạn hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất đai, thực hiện nghiêm các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; quản lý hiệu quả lĩnh vực chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản công một cách chặt chẽ. Đồng thời, cần chú trọng công tác xác minh tài sản ngay từ lúc khởi tố vụ án, thậm chí ngay từ lúc giải quyết tin báo nhằm ngăn chặn kịp thời các hình thức tẩu tán, che dấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có.

HOÀNG LÊ

;
.