Gần 15 năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch, bạn tôi chưa từng nghĩ cuộc sống sẽ bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn như hiện tại. Bạn chia sẻ, năm 2020 dù dịch COVID-19 nhấp nhổm, song cứ dịch tạm lắng du lịch lại bùng nổ, hướng dẫn viên chăm chỉ cày cuốc mức thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng là bình thường.
Thế nhưng sang năm 2021, tình hình xấu hẳn. Ngay đầu năm cũng là mùa du xuân trong thói quen của du khách thì dịch bệnh tái bùng phát, khách đi tour vẫn có nhưng số lượng ít, chủ yếu tour ngắn ngày. Trong khi đội ngũ hướng dẫn viên chờ việc đông đảo, các công ty lữ hành bạn cộng tác đều chọn mặt xếp tour nên lịch hướng dẫn không đáng kể. Đến đầu tháng 5 khi dịch bùng phát rồi lan rộng dần, cùng với các biện pháp giãn cách phòng dịch, mảng lữ hành đóng băng hoàn toàn, hướng dẫn viên theo đó cũng thất nghiệp. Bạn không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do làm thời vụ, hướng dẫn tour nào hưởng thù lao tour ấy mà không có hợp đồng lao động. Chồng của bạn làm tại resort giờ cũng làm ngày nào hưởng lương ngày ấy, nhưng mỗi tháng không quá 8 ngày công vì lượng nhân viên của resort hơn 100 người phải bố trí thứ tự để tất cả cùng có lương tối thiểu.
Thất nghiệp, bạn ở nhà bán quần áo, thời trang online, tư vấn bảo hiểm và trông 2 con đang được nghỉ hè. Bán hàng online ngày được ngày không, tư vấn bảo hiểm cũng không dễ tiếp cận khách mới, nguồn thu nhập chính của gia đình của gia đình từ người chồng với hơn 2 triệu đồng/tháng. Chi tiêu trong nhà ăn dần vào khoản tiền dành dụm ít ỏi tích cóp được trước đó. Bạn cực kỳ lo lắng cho cuộc sống gia đình những ngày tháng sắp tới.
Hoàn cảnh của bạn tôi cũng là thực trạng chung của lao động toàn ngành du lịch. Tại BR-VT, Sở Du lịch thống kê đến nay có hơn 200 DN kinh doanh dịch vụ du lịch đã tạm ngừng kinh doanh và có thông báo gửi về sở. Thế nhưng con số này chắc chắn lớn hơn nhiều. Chạy dọc các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, quan sát bằng mắt thường sẽ thấy rõ điều này, nhất là vào buổi tối vì đường sá vắng hoe, cơ sở lưu trú tối thui, không bóng người. Khi cơ sở đóng cửa, tạm dừng hoạt động kéo theo lao động cũng phải tạm nghỉ không lương. Toàn ngành du lịch hiện có khoảng 21.000 lao động, như vậy con số lao động mất việc cũng nằm vào con số hàng chục ngàn. Đây là thực tế buồn của nền kinh tế xanh.
Ngày 1/7 Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP quy định chính sách hỗ trợ người lao động, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng giá trị 26.000 tỷ đồng. Gói này phân bổ cho 12 nhóm đối tượng, trong đó hướng trực tiếp vào du lịch. Cụ thể, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ 1/5 đến hết 31/12 được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người; lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần 1,855 triệu đồng/người (nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng) và mức 3,71 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên; hỗ trợ một lần người lao động ngừng việc do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/người; người lao động đang mang thai, người đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thêm 1 triệu đồng/người. Với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) mức tiền hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. Các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ…
Nắm được thông tin về gói hỗ trợ trên bạn tôi rất vui mừng, mong muốn gói hỗ trợ này sẽ sớm giải ngân. Bạn bảo khoản tiền dù không lớn nhưng nó làm ấm lòng những người trót nặng nợ với nghề du lịch. Tâm tư của bạn chắc hẳn cũng là mong mỏi của lao động và DN du lịch lúc này. Do vậy, hơn lúc nào hết các sở, ngành cần ráo riết triển khai, khó ở đâu tham mưu UBND tỉnh gỡ tới đó, rút ngắn các thủ tục để những người trong diện được hỗ trợ dễ tiếp cận, giúp họ thêm động lực vượt qua khó khăn, giữ lửa đam mê, sẵn sàng trở lại với nghề du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát.
TRẦN HIỀN