Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 xuất hiện từ ngày 27/4 đến nay được đánh giá là rất nguy hiểm và phức tạp, với mức độ lây lan mạnh, diện rộng, nhiều địa phương có dịch và số ca mới nhiễm bệnh mỗi ngày luôn ở con số hàng trăm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh đã quyết định giãn cách xã hội trong vòng 2 tuần kể từ ngày 31/5. Tiếp đó, các tỉnh Bình Dương, Long An cũng thực hiện giãn cách xã hội một số huyện, thị, thành phố trực thuộc nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
BR-VT là địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với nhiều KCN, cảng biển, dự án đầu tư nước ngoài, tỉnh thu hút nhiều người lao động kỹ thuật cao, chuyên gia, thương nhân trong và ngoài nước đến làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư, giao thương. Đồng thời, nhiều người dân BR-VT sinh sống, học tập tại TP. Hồ Chí Minh cũng trở về địa phương khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Đó đều là những yếu tố làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh vào BR-VT là rất cao. Đến thời điểm này, tỉnh BR-VT chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào trong cộng đồng nhưng không thể không cảnh giác. Do vậy, trong những ngày qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để phân tích nguy cơ, bàn giải pháp phòng, chống dịch và chuẩn bị các điều kiện, xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch.
Trong công văn 6006 ngày 31/5 chỉ đạo về tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục tạm ngừng hoạt động một số dịch vụ, trong đó có dịch vụ ăn uống, giải khát phục vụ tại chỗ, khuyến khích hình thức bán mang đi; tạm dừng hoạt động tắm biển.
Biết rằng, khi thực hiện giãn cách xã hội hoặc tạm dừng một số hoạt động kinh doanh, các địa phương sẽ chịu thiệt hại lớn về kinh tế, kèm theo đó là phải giải quyết hậu quả xã hội với các vấn đề về việc làm, thu nhập của người lao động. Hoạt động kinh doanh bị đình trệ, nguồn thu ngân sách giảm sút, nhưng vì sự an toàn của đại đa số nhân dân, vì lợi ích lâu dài, đó là giải pháp phù hợp nhất. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã cho rằng thành phố này phải chấp nhận giải pháp giãn cách trong 2 tuần là để bảo vệ lợi ích lâu dài. “Hai tuần với TP. Hồ Chí Minh rất lớn nhưng không có cách nào khác, chúng ta phải chọn giải pháp ít xấu nhất”, ông Nên phân tích.
Theo ghi nhận, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đại đa số người dân đều hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những cá nhân thiếu hiểu biết hoặc vì chút lợi ích cá nhân mà cố tình vi phạm, vẫn lén lút bán hàng ăn uống phục vụ tại chỗ. Một số người không đeo khẩu trang khi ra đường, ở nơi công cộng. Tất cả các trường hợp này đều đã được chính quyền các địa phương đến tận nơi nhắc nhở, yêu cầu đóng cửa. Các trường hợp không đeo khẩu trang cũng được nhắc nhở nghiêm khắc hoặc lập biên bản xử phạt hành chính.
Khi ban hành một quyết định, một biện pháp phòng, chống dịch, chính quyền các cấp cũng rất đắn đo, phân tích tính toán thiệt hơn từ mọi mặt. Để có được những quyết định đúng đắn, nhiều cuộc họp bàn phải kéo dài từ sáng đến quá trưa, thậm chí có những cuộc họp được triệu tập và diễn ra ngay trong buổi tối, kéo dài đến khuya, có văn bản được ban hành hỏa tốc trong đêm - chuyện xưa nay vốn rất hiếm. Tất cả đều vì mục đích bảo đảm an toàn cho người dân, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa phương mình, từ đó mới có điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội.
Để đẩy lùi dịch bệnh, trước hết mỗi người dân phải chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ và của địa phương, đoàn kết, đồng lòng, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng chính quyền thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi người có thể sẽ phải tạm gác lại một số thói quen nhất định, chấp nhận một số sự bất tiện nhất định để đổi lấy sự an toàn, còn hơn là phải sống trong những ngày lo âu, mệt mỏi khi dịch bệnh bùng phát tại địa phương mình hoặc trường hợp xấu nhất là bản thân mình nhiễm bệnh. Đó sẽ là những ngày rất dài.
NGUYỄN ĐỨC