Thanh toán online

Thứ Sáu, 18/06/2021, 19:58 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày đăng ký sử dụng dịch vụ smart banking (ngân hàng điện tử), tôi thấy có nhiều thuận lợi khi thanh toán hóa đơn và các giao dịch khác. Hàng tháng, đến kỳ trả tiền cước thuê bao di động, tôi chỉ cần chừng 2 phút với vài thao tác trên chiếc smart phone là xong. Tôi không còn phải đến các điểm giao dịch của nhà mạng để nộp tiền như trước. Đã vậy, tôi còn được chiết khấu tiền cước do thanh toán qua ứng dụng của nhà mạng di động. Quan trọng hơn, nhờ smart banking, tôi có thể thanh toán được cước điện thoại bất cứ lúc nào, khác hẳn với việc phải đến điểm giao dịch mà nhiều lúc do quên, dẫn đến quá hạn và bị khóa chiều gọi đi, đôi khi lỡ cả việc!

Tương tự, chỉ cần vài cái “chấm ngón tay”, tôi cũng thanh toán được tiền điện, tiền nước ngay cả khi ngồi ở nhà hoặc văn phòng mà không phải đến trụ sở các nhà cung cấp để nộp như trước đây, đỡ phải đi lại, chờ đợi. Rồi thì chuyện đóng học phí cho con, mua sắm, thậm chí là đi chợ, bà xã chỉ cần ra lệnh “bấm nút” là tất cả đều được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng cao, Bộ Y tế khuyến cáo “5K”, trong đó có yêu cầu không tập trung đông người, giảm tiếp xúc, việc sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến là giải pháp hữu hiệu. Hàng quán không được phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của chính quyền địa phương; lượng người đến chợ, siêu thị cũng giảm hẳn do lo ngại lây nhiễm dịch bệnh. Cái khó ló cái khôn. Người bán và người mua đã nhanh chóng tìm thấy nhau thông qua hình thức mua - bán hàng qua mạng. Hàng trao tay người mua, tiền lập tức vào tài khoản người bán.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra đầu năm 2020 đến nay, lượng giao dịch không dùng tiền mặt càng gia tăng mạnh mẽ. Thống kê từ các ngân hàng cho thấy, doanh số giao dịch không dùng tiền mặt 5 tháng đầu năm nay tăng từ 40% đến trên 100% so với cùng kỳ.

Hiện nay, tỷ lệ người dùng smart phone và mạng Internet tại Việt Nam khá cao và ngày càng phổ biến. Dịch vụ bán hàng qua mạng cũng ngày càng phát triển. Chỉ cần một chiếc smart phone có kết nối Internet, người dùng có thể mua được hầu hết các mặt hàng như đi chợ, từ mớ rau, con cá, đến các món ăn vặt, hàng tiêu dùng và cả các mặt hàng có giá trị lớn. Hình thức thanh toán này không chỉ tiện lợi mà còn bảo đảm an toàn, tránh được các rủi ro khi thanh toán bằng tiền mặt như: trả nhầm, làm rơi tiền, bị móc túi, cướp giật… Đồng thời, thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh hoặc khi xảy ra lây lan, cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy vết hơn.

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn những bất cập, hạn chế cần sớm khắc phục. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc người dùng bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng; thông tin người dùng bị lộ, rao bán trên mạng; mật khẩu smart banking bị đánh cắp, chiếm đoạt; phí giao dịch qua ngân hàng cao; thói quen dùng tiền mặt còn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người… Đây là những rào cản trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Để thu hút nhiều người sử dụng hình thức thanh toán này hơn nữa, ngành ngân hàng cần tăng cường tuyên truyền về tính ưu việt và hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; đẩy mạnh kết nối, hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong thanh toán; điều chỉnh mức phí hợp lý cho những khách hàng có nhiều giao dịch trong một ngày, nhất là những giao dịch nhỏ. Đồng thời, ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần tăng cường đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, hạ tầng phục vụ cho việc thanh toán không dùng tiền mặt…

NGUYỄN ĐỨC

;
.