Nông sản lên sàn điện tử

Thứ Tư, 09/06/2021, 18:23 [GMT+7]
In bài này
.

Từ thung lũng Nà Ka trên cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trái mận hậu đã đến tay người tiêu dùng khắp nơi trên toàn quốc với thương hiệu “mận hậu ruby Sơn La”. Giờ đây, để thưởng thức loại trái cây được mệnh danh “đệ nhất trái cây” Sơn La, người tiêu dùng có thể mua online trên các trang thương mại điện tử như Grabmart, Voso, Tiki, PostMart.vn, Shopee, Lazada.

Nhưng, để đưa trái mận mang thương hiệu “Mận hậu ruby Sơn La” lên các sàn điện tử là cả một câu chuyện dài, từ việc nhân giống, tạo ra sản phẩm đặc trưng và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc. Được biết, từ năm 1981 đến nay, qua mỗi mùa vụ, nông dân Nà Ka lại tìm tòi và phát triển khi tiếp tục tuyển chọn những cây đẹp nhất, ngon nhất, chiết cành và nhân giống, để tạo ra loại mận hậu đặc trưng. Nhờ thổ nhưỡng riêng của thung lũng Nà Ka, nằm trong vùng khí hậu Mộc Châu ở độ cao 1.500m so với mực nước biển làm cho khả năng tích đường tốt, mận ngọt hơn. Với tiêu chí đề cao chất lượng của từng trái mận, nông dân Nà Ka sẵn sàng hy sinh đến 30% sản lượng, tỉa cành, tỉa trái để giữ lại những trái ngon nhất. Các vườn mận hậu ruby Sơn La cho trái lớn, tròn, đồng đều, dao động từ 18-25 trái/kg. Trong 100 trái mận được trồng tại Sơn La chỉ có 5 trái được chọn để mang thương hiệu “Mận hậu ruby Sơn La”. Hiện “Mận hậu ruby Sơn La” loại đặc biệt có giá bán 230 ngàn đồng/kg, cao gần bằng trái mận Mỹ nhập khẩu.

Không chỉ có mận hậu, trái vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang lần đầu tiên chính thức phân phối trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam từ tháng 6/2021. Dự kiến vụ vải năm nay sẽ có khoảng 8.000 - 10.000 tấn vải thiều được tiêu thụ bằng hình thức này. Trước đó, vải thiều Thanh Hà, Hải Dương cũng được quảng bá ngay vị trí trung tâm trên nhiều sàn thương mại điện tử như Voso (VietelPost), Sendo, Lazada. Cũng như trái mận hậu, vải thiều lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, gắn tem nhãn, bảo đảm thông tin sản phẩm được minh bạch. Để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vẫn bảo đảm độ tươi, ngon, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, bảo đảm hệ thống hậu cần như vận chuyển, kho lạnh…

Thời gian gần đây, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam, đặc biệt là rau quả như bí xanh Bắc Kạn; hành tím Sóc Trăng, bưởi hồng da xanh Bến Tre... cũng bước đầu được đăng bán qua sàn thương mại điện tử. Dù chưa nhiều, nhưng đây được xem là tín hiệu tích cực khi có thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương.

Câu chuyện trên đang mở ra cho trái cây BR-VT một hướng đi mới bởi đây cũng là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn với hơn 12 ngàn ha. Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho không chỉ trái cây mà nhiều loại nông sản khác của tỉnh như cá nuôi lồng bè, heo, gà khó tiêu thụ. Tuy nhiên, để đưa được nông sản lên sàn điện tử, ngoài việc thay đổi tư duy sản xuất sạch, có thương hiệu nhãn hiệu như nông dân các tỉnh Sơn La, Bắc Giang đang thực hiện thì rất cần sự hỗ trợ của các “nhà” như DN, Nhà nước, ngân hàng… Đặc biệt, giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, tiếp cận kinh tế số mới là biện pháp căn cơ lâu dài thay vì giải cứu mang tính thời vụ như hiện nay.

NGÔ GIA

;
.