Đứng bần thần nhìn đàn dê hơn chục con được thả nuôi từ cách đây 3 tháng, Việt – một nông dân vừa được ba má tách cho mảnh vườn để ra ở riêng than, nếu không có dịch COVID-19 thì đàn dê này đã được xuất chuồng, thu hồi vốn. “Nhưng giờ các nhà hàng, quán ăn đóng hết rồi, em chưa biết xử lý ra sao với đàn dê quá lứa này. Bữa giờ cả hai vợ chồng phải tranh thủ đi cắt lá, cỏ chứ vốn mua thức ăn đã cạn rồi”, Việt nói, giọng buồn bã.
Việt năm nay 27 tuổi. Cũng như nhiều nông dân khác, khi tách ra một gia đình riêng để lập nghiệp đã rất khó khăn khi nghĩ đến việc “nuôi con gì, trồng cây gì”. Việt vốn là một người chăm chỉ, mảnh vườn hơn 5 sào ba má cho sau hơn 1 năm ra ở riêng đã xanh mướt bắp và các loại rau. Nhưng nếu chỉ dựa vào chừng đó thì cuộc sống vẫn còn khá chật vật chứ chưa nói đến chuyện làm giàu. Thế nên Việt đã bàn với vợ vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi dê thịt – một mô hình chăn nuôi khá thành công tại huyện Châu Đức trong thời gian qua. Với bản tính siêng năng, cộng với sự ham học hỏi, hơn chục con dê sau 3 tháng được Việt chăm sóc đã béo mẫm. Thế nhưng điều không may cho Việt là dịch COVID-19 xảy ra, những “mối” mà Việt nhắm đến để bán dê đều đã đóng cửa.
Cách đây vài hôm, UBND huyện Châu Đức đã phải vận động các tổ chức, đoàn thể, DN, người dân… hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bơ của nông dân trên địa bàn huyện. Ngay lập tức, bạn bè tôi cũng đã lên các trang mạng xã hội facebook, zalo kêu gọi hỗ trợ. Bơ 034, bơ Quốc Minh vàng ươm, dẻo quẹo được các siêu thị bán 50-70 ngàn đồng/kg nay đang bán tháo với giá 10 ngàn đồng/kg. Hình ảnh những trái bơ đổ từng đống dưới gốc cây đã chạm vào sự cảm thông của rất nhiều người. Chỉ sau 1 ngày, đã có hơn 100 tấn bơ được hỗ trợ. Và hôm qua, các cơ quan chức năng một lần nữa lại phát đi văn bản kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn cá nuôi lồng bè.
Gần như phong trào hỗ trợ nông sản nào tôi cũng mua 10-20kg, vẫn chất đầy tủ lạnh sau khi đã biếu tặng hàng xóm, người thân. Tôi mua nhiều vì nhớ đến ánh mắt thất thần của Việt. Nếu như đàn dê của em không bán được thì nợ ngân hàng đến kỳ phải trả không biết xoay vào đâu. Hơn nữa nó còn tác động đến nhiệt huyết của một thanh niên đang hừng hực khát vọng khởi nghiệp, làm giàu. Tất nhiên, những nông dân như Việt khi bắt đầu nghĩ đến việc nuôi con gì, trồng cây gì mới chỉ tính toán đến đầu ra, chứ chưa sẵn sàng đối mặt với những rủi ro khác như dịch bệnh, thiên tai. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong việc “mua giùm” nông sản như tôi chẳng hạn chỉ mang tính tức thời, giải quyết sự vụ ngắn hạn.
Có thể nói, dịch bệnh và thiên tai là mối nguy khó đoán định với nhà nông ở bất cứ quốc gia nào, gây tổn thất trầm trọng và mất thời gian dài để khôi phục. Thay vì đứng ra kêu gọi, rất cần các giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi. Đây cũng là lúc mà các địa phương, ngành chức năng cần xây dựng phương án tổng thể khi tình trạng này sẽ tiếp diễn trong tương lai. Làm sao để trong bất cứ tình huống nào thì nông dân vẫn tự quyết định giá bán sản phẩm do mình làm ra, tự tin làm chủ trên cánh đồng của mình. Ở đó, không chỉ là cải thiện việc canh tác để không nằm ngoài chuỗi sản xuất - cung ứng của thị trường mà còn tuân theo những “kỷ luật thép” để sản phẩm làm ra đạt yêu cầu, mang về lợi nhuận cao, xứng đáng với công sức bỏ ra.
NGÔ GIA