Dùng công nghệ để phòng, chống dịch COVID-19

Chủ Nhật, 06/06/2021, 20:00 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày qua, nhiều người đã tự tay làm hoặc nhờ người quen tải và cài đặt ứng dụng khai báo y tế trên điện thoại thông minh để phòng, chống dịch COVID-19. Thoạt đầu việc cài đặt là mang tính miễn cưỡng vì có thông tin Bộ Y tế sẽ phạt những trường hợp có smartphone mà không cài ứng dụng khai báo y tế. Nhưng sau một thời gian sử dụng thấy tiện ích của ứng dụng nên thích thú dùng luôn. Nhiều người chia sẻ, họ rất an tâm khi có thể phát hiện tiếp xúc gần với người nhiễm SARS-CoV-2 nhờ cài đặt ứng dụng Bluezone trên máy.

Hiệu quả của việc dùng công nghệ truy vết ngăn dịch COVID-19 còn được chứng minh qua cách làm của TP. Đà Nẵng. Khi đợt dịch thứ 3 bùng phát, thành phố này đã triển khai thẻ đi chợ QR-Code thay vì phiếu đi chợ 3 ngày/lần. Chỉ cần lưu trữ, chụp lại thẻ có mã QR-Code là mọi người dễ dàng vào chợ. Điều này không những giảm việc tiếp xúc giữa người với bảo vệ trong chợ, mà giúp công tác truy vết trường hợp nghi nhiễm COVID-19 hiệu quả hơn.

Những ứng dụng kể trên chỉ là 2 trong nhiều tiện ích công nghệ mà Bộ Y tế đang khuyến khích sử dụng nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay. Những tiện ích thiết thực khác như ứng dụng khai báo y tế điện tử bằng mã QR-Code, Hội chẩn trực tuyến bằng hệ thống Telemedicine; Thiết bị thở oxy lưu lượng cao HFNC trong điều trị COVID-19; Bộ kit thử trong việc chẩn đoán bệnh nhân mắc COVID-19, phần mềm khai báo y tế Ncovi… cũng đang giúp cho việc phát hiện, truy vết, điều trị COVID-19 ở nước ta kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại cho dịch bệnh gây ra.

Giải pháp công nghệ là 1 trong 3 mũi tấn công mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra, gồm tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện chiến lược vắc xin và ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết. Quan điểm của Thủ tướng là kết hợp hài hòa giữa phòng ngừa và tấn công; Các bộ, ngành chức năng phải chuyển từ “phòng ngừa” sang “tấn công” phòng dịch COVID-19 bằng những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại “Make in Vietnam”. “Thông điệp phòng, chống dịch hiện nay thay vì 5K cộng vắc xin thì thành “5K cộng vắc xin và công nghệ”. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Công nghệ không trực tiếp đẩy lùi COVID-19, nhưng nó có thể hỗ trợ đắc lực trong việc giám sát, cảnh báo nguy cơ, giảm đáng kể thiệt hại cho xã hội, cộng đồng. Thông qua công nghệ, người dân có thể khai báo y tế bằng mã QR hoặc check-in, check-out bằng mã QR khi đến những điểm công cộng như chợ, siêu thị, nhà hàng, công viên, bến xe, bến tàu, bệnh viện… nhằm lưu lại các “mốc dịch tễ”. Việc quét mã QR để khai báo y tế có thể thực hiện thông qua tính năng “Quét QR” trên 1 trong 3 ứng dụng Bluezone, NCOVI và Vietnam Health. Tất cả đều phát triển dựa trên triết lý “Bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng”. Cần nói thêm rằng, ưu thế của các giải pháp công nghệ này là không chỉ áp dụng cho phòng, chống COVID-19 mà còn có thể sử dụng lâu dài cho các đại dịch truyền nhiễm khác có thể xảy ra trong tương lai.

Có một thực tế là việc sử dụng công nghệ để phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn hạn chế, đơn cử là việc tải và cài đặt ứng dụng Bluezone. Nước ta hiện có khoảng 80 triệu người có smartphone. Để có thể kiểm soát dịch COVID-19, nhanh chóng truy vết người có khả năng lây nhiễm và những người họ đã tiếp xúc thì cần phải có 50 triệu người dân cài đặt Bluezone. Thế nhưng, tỷ lệ người dân đã cài đặt và sử dụng ứng dụng này mới chỉ hơn 30 triệu lượt, vẫn còn khoảng cách khá xa với cột mốc tối thiểu giúp phát hiện, lần ra tất cả các ca nghi nhiễm COVID-19.

Chúng ta vẫn nói nhiều về cách mạng 4.0 thì đây chính là thời điểm để các bộ, ngành chức năng và người dân tích cực sử dụng nền tảng công nghệ 4.0 vào việc phòng, chống dịch COVID-19. Và, để giải pháp này phát huy hiệu quả, các bộ, ngành chức năng cần phải truyền thông nhiều hơn để người dân hiểu rằng cùng với thông điệp 5K+vắc xin, công nghệ là giải pháp quan trọng trong việc đẩy lùi dịch COVID-19, trên cơ sở đó tự giác thực hiện như một cách giúp sức, đồng lòng vì “mục tiêu kép”.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.