Trong những thông tin đăng tải trên báo chí tuần qua có một thông tin khá thú vị, thu hút được sự chú ý của nhiều người: Tập đoàn Bkav thử nghiệm dùng… “nước muối súc miệng” để xét nghiệm COVID-19. Nói “thú vị” bởi lâu nay, để phát hiện SARS-CoV-2 các cơ quan y tế thường dựa vào 2 phương pháp: xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR và test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2; Còn phương pháp xét nghiệm không cần kit, không cần sinh phẩm xét nghiệm mà “chỉ sử dụng nước muối” và 10 giây sau cho kết quả như Bkav đang thực hiện thì quả là hết sức mới mẻ.
Theo lời của ông Nguyễn Tử Quảng - người sáng lập Bkav, phương pháp xét nghiệm dùng nước muối súc miệng của những người lấy mẫu đã được Bkav thử nghiệm từ cuối năm 2020 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. “Kết quả ban đầu được ghi nhận là khả quan với tỷ lệ nhận diện trên 90%”, ông Quảng nói.
Hôm 9/6, ông Nguyễn Tử Quảng đã báo cáo với hội đồng của Bộ KH-CN về phương pháp xét nghiệm này sau khi đã trình bày với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nếu bảo vệ thành công trước các hội đồng khoa học và đưa vào ứng dụng trong cuộc sống, sáng kiến này sẽ tiết kiệm được khoản chi không nhỏ cho ngân sách. Hơn thế nữa, nó còn chứng tỏ người Việt không chỉ thích công nghệ mà có thể sáng tạo công nghệ, dùng công nghệ để phục vụ con người.
Cuối tháng 5 vừa qua, nhóm các nhà khoa học thuộc Khoa Y, Trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng công bố một nghiên cứu mới: “Công nghệ IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo AI nhằm kiểm soát đồng thời nhóm người tại khu vực cách ly, bệnh viện, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu tập trung đông người trong phòng, chống dịch COVID-19”. Giải pháp giới thiệu hệ thống kiểm soát ứng dụng công nghệ dưới dạng những cabin có khả năng phát hiện hàng loạt các đối tượng F1, F2 đang được yêu cầu cách ly cũng như những người có nguy cơ mắc COVID-19 trong đám đông. Công trình được đánh giá là giải pháp phù hợp trong điều kiện phòng, chống dịch hiện nay ở Việt Nam.
Nếu có thể kể thêm thì đó là việc sản xuất thành công robot đa nhiệm do nhóm khoa học của Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) tiến hành. Những chú robot này có thể làm được nhiều việc như khử khuẩn, vệ sinh, vận chuyển hàng hóa, giám sát, nhắc nhở người người bệnh uống thuốc… Qua sử dụng, các y, bác sĩ, bệnh nhân ở tâm dịch Bắc Giang đánh giá những robot “Make in Vietnam” đã thực sự chia sẻ với sức người, nhất là trong thực hiện những công việc có khả năng lây nhiễm cao ở các khu cách ly.
Những đề tài nghiên cứu, thực hiện của Tập đoàn Bkav, của các nhà khoa học Khoa Y, Trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, của Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) và nhiều sản phẩm công nghệ khác có tính thực tiễn sâu sắc. Trước yêu cầu cấp bách của cuộc sống, họ đã không thụ động mà thể hiện trách nhiệm xã hội cần có của nhà khoa học và giới doanh nhân. Xã hội, cộng đồng hy vọng giới khoa học sẽ phát huy năng lực, trí tuệ, nghiên cứu thực hiện thêm nhiều “đơn đặt hàng” khác nữa từ cuộc sống. Chẳng hạn như tiếp tục tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin “Make in Vietnam” hoặc sáng chế những bộ đồ bảo hộ giúp “hạ nhiệt” cho các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, “5K + vắc xin + công nghệ” là cách tiếp cận mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; Công nghệ không còn là biện pháp theo dõi, phòng vệ mà trở thành mũi tấn công trực diện hiệu quả, những giải pháp công nghệ thực sự như những “cánh tay nối dài” giúp Việt Nam kiểm soát dịch tốt hơn.
Việt Nam đang sở hữu đội ngũ trí thức hùng hậu với gần 25 ngàn tiến sĩ, hơn 70 ngàn cán bộ làm nghiên cứu khoa học. Mỗi năm chúng ta đã dành khoảng 2% chi ngân sách, tương đương với trên 30 ngàn tỷ đồng cho các đề tài, nghiên cứu khoa học. Nhưng số công trình nghiên cứu, sáng kiến khoa học so với các nước xung quanh ta còn rất khiêm tốn. Bằng sáng chế được quốc tế công nhận lại càng hiếm hoi. Thực tế ấy khiến không ít người hoài nghi về năng lực nghiên cứu của các vị thạc sĩ, tiến sĩ. Chính vì vậy, đây là lúc các nhà khoa học lên tiếng khẳng định mình có thể sáng tạo, làm ra những sản phẩm công nghệ cao theo “đơn đặt hàng” từ cuộc sống, góp phần vào việc khống chế dịch bệnh thành công, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
NGUYỄN TRIỆU HẢI