Đại dịch COVID-19 đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi và hiện vẫn đang là mối đe dọa lớn đối với toàn cầu. Nhiều phương thức phòng chống virus SARS-CoV-2 đã được đặt ra và Tổ chức Y tế thế giới khẳng định vắc xin là giải pháp tốt nhất hiện nay để các quốc gia vượt qua cơn khủng hoảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh mua vắc xin phòng COVID-19 là việc cấp bách, phải thực hiện ngay. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan phải dùng mọi biện pháp, từ ngoại giao, đến huy động các DN, nguồn lực khác để tiếp cận bình đẳng mua được vắc xin. Người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi mọi người dân, DN, cơ quan, tổ chức trong điều kiện có thể đóng góp trí tuệ, ý kiến, tiền của, phương pháp, thậm chí cả các quan hệ để mua vắc xin, chuyển giao công nghệ… nhằm góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thế giới hiện đang thiếu vắc xin. Nhiều quốc gia đang chật vật tìm kiếm vắc xin, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hiện nay, do không thể ngay một lúc tiêm vắc xin cho tất cả 100 triệu dân, nên phải tiêm cho 11 nhóm đối tượng sắp xếp theo mức độ ưu tiên, trong đó đội ngũ nhân viên y tế đứng đầu.
Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, bào chế và thử nghiệm vắc xin “made in Việt Nam” với những tín hiệu khả quan ban đầu, nhằm thực hiện chiến lược tiếp cận vắc xin nhanh nhất, rộng nhất, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty nước ngoài để có vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Nhưng việc lo đủ 150 triệu liều vắc xin để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam là không đơn giản, đòi hỏi có sự chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng. Chỉ khi xã hội hóa nguồn kinh phí người dân mới có điều kiện và cơ hội tiếp cận vắc xin, đẩy lùi được COVID-19. Quỹ vắc xin phòng COVID-19 vừa được Bộ Tài chính đề xuất thành lập chính là để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho người dân.
Chiều 28/5, tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ mua vắc xin và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn do UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức, nhiều cơ quan, tổ chức, cộng đồng DN, người dân BR-VT đã hiện thực hóa “giấc mơ vắc xin” bằng việc tích cực đóng góp nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống dịch với số tiền hơn 163 tỷ đồng. Tại lễ phát động, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh có phát biểu một ý rất hay: “Nhân dân, cộng đồng, DN, mạnh thường quân của tỉnh BR-VT chưa hẳn đã giàu có nhất về tiền bạc nhưng có một điều chắc chắn là giàu “Tình nhân ái” và sẵn lòng sẻ chia trách nhiệm cao đến với cộng đồng, đến với xã hội…”.
Đúng như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, sự đóng góp, ủng hộ tích cực của cộng đồng DN và người dân cho Quỹ vắc xin của tỉnh không chỉ góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách mà qua đó còn thể hiện sinh động truyền thống đoàn kết và sẻ chia, tương thân tương ái của dân tộc. Hiện nay, dân số toàn tỉnh ước gần 1,2 triệu người, tổng số tiền dự kiến chi cho việc tiêm vắc xin toàn dân cần khoảng 250 tỷ đồng. UBMTTQ Việt Nam tỉnh hiện đang đẩy mạnh cuộc vận động và danh sách DN, “mạnh thường quân”, người dân đóng góp, ủng hộ vào chương trình vắc xin của tỉnh vẫn còn đang nối dài. Tin chắc mục tiêu tiêm vắc xin cho 1,2 triệu dân của tỉnh sẽ sớm hoàn thành.
Những ngày này, UBMTTQ Việt Nam các địa phương trong cả nước cũng đã phát động, vận động người dân góp tiền mua vắc xin, nhằm bổ sung nguồn lực hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đã được hàng vạn, hàng triệu tấm lòng tích cực hưởng ứng. Kết quả của phép cộng ấy sẽ là rất lớn, mang lại nhiều vắc xin hơn cho cộng đồng, tiếp thêm nội lực và sức mạnh để cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn dài nhưng với chủ trương xã hội hóa để mở rộng đối tượng tiêm cùng với chiến lược “vắc xin + 5K”, chúng ta sẽ sớm khống chế được dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
NGUYỄN TRIỆU HẢI