Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Thứ Sáu, 07/05/2021, 21:10 [GMT+7]
In bài này
.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước những thách thức đặt ra hiện nay, ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch của tỉnh BR-VT nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngoài các giải pháp chung tay ngăn chặn dịch bệnh, từng bước cơ cấu lại thị trường, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi cần phải được chú trọng để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững.

Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh BR-VT có gần 100 doanh nghiệp du lịch thông báo tạm ngừng kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp khác chỉ hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, nhiều lao động trực tiếp trong các bộ phận buồng, bếp, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch… bị cắt giảm hoặc bị tạm ngưng chờ việc. Hơn nữa, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động èo uột, khiến cho nhiều lao động trong ngành buộc phải chủ động chuyển nghề hoặc đi tìm công việc mới; dẫn tới hệ lụy thiếu nhân lực có chuyên môn đối với nhiều cơ sở kinh doanh du lịch ngay sau khi giãn cách xã hội được tạm ngừng, khi các khách sạn, các cơ sở lưu trú và các nhà hàng mở cửa hoạt động trở lại.

Thực tế cho thấy, qua những lần thực hiện kích cầu du lịch, việc tuyển dụng nhân lực của các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lao động có tay nghề lo ngại về việc làm trong ngành du lịch thiếu tính ổn định nên không mặn mà với nghề đã chọn. Mặt khác, với sự xuất hiện của những biến chủng mới và diễn biến của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, khó lường, nên phần nào ảnh hưởng tới tâm lý chung của những người làm nghề dịch vụ. Điều đó đòi hỏi các cơ sở kinh doanh du lịch cần có những bước đi  thích hợp, vừa giữ chân người lao động, vừa chuẩn hóa nguồn nhân lực một cách đồng bộ và hiệu quả.

Du lịch BR-VT được xác định là 1 trong 4 trụ cột chính của nền kinh tế địa phương trong giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Đảng bộ tỉnh BR-VT cũng đã nêu rõ: “Xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”. Để du lịch BR-VT phát triển theo hướng chất lượng cao, có thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần được xác định là một trong những yếu tố then chốt, quyết định sự thành công trên con đường phát triển. Theo đó, đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Sở Du lịch xây dựng đã đề ra các mục tiêu cụ thể như sau: “Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 38.000 lao động trong ngành du lịch; năm 2030 là 46.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch đạt từ 80-100%. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp; chú trọng hình thành lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng; tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch có chất lượng cao”.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch BR-VT trên cơ sở hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển nhân lực du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực du lịch theo hướng đào tạo gắn liền với thực tế và nhu cầu của người sử dụng lao động, đề cao việc học lý thuyết đi đôi với thực hành. Đổi mới chương trình, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo du lịch nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết về du lịch, nhất là kiến thức về cách mạng công nghệ số. Bên cạnh đó cần tích cực triển khai thương mại điện tử, đẩy mạnh các loại hình kinh doanh trực tuyến; hình thành và thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đối với hệ thống các sàn giao dịch du lịch điện tử; khuyến khích khách du lịch sử dụng các dịch vụ trực tuyến, các tiện ích thông minh trong hoạt động du lịch.

HOÀNG LÊ

 
;
.