Nắm tay nhau vượt qua đại dịch

Thứ Ba, 11/05/2021, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Cuộc sống đang bình thường, bỗng dưng đại dịch COVID-19 quay trở lại. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền các địa phương về việc hạn chế tập trung đông người nhằm phòng, chống dịch, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ, tập trung đông người phải tạm dừng. Bao kế hoạch, dự định dang dở, phải tạm gác lại hoặc hủy bỏ, thiệt hại khó mà đong đếm cho đủ.

Trong đó, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng, nhiều đôi uyên ương đã chấp nhận chịu thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần khi hủy, hoãn, tạm dừng lễ cưới, tiệc cưới, dù có đám đã chuẩn bị sẵn món ăn, chỉ chờ giờ lành là tiến hành. Tuy vậy, họ đã không đơn độc, bởi bên họ còn có xóm làng, cộng đồng. Câu chuyện một tiệc cưới ở tỉnh Hà Tĩnh phải hủy bỏ để phòng, chống dịch hôm 6/5, sau đó được hàng xóm đến “giải cứu” bằng cách mua hết hàng trăm mâm cỗ được lan truyền mạnh mẽ mấy ngày qua như một minh chứng về tinh thần đoàn kết chống dịch rất đáng hoan nghênh của cả gia chủ lẫn bà con lối xóm.

Người Việt vốn có truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng tương trợ lẫn nhau. Truyền thống đó càng được thể hiện và phát huy mạnh mẽ trong hoàn cảnh đất nước xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Hơn 1 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất dẫn đến nhiều người lao động bị mất việc, giảm việc, giảm thu nhập và nhiều người lao động tự do mất việc làm nên đời sống gặp khó khăn. Chính phủ, chính quyền các địa phương, UBMTTQVN, đoàn thể các cấp từ trung ương đến địa phương cùng các DN, nhà hảo tâm đã có nhiều chính sách giúp người lao động, người nghèo vượt qua khó khăn thông qua việc hỗ trợ bằng tiền mặt và trao tặng các phần quà là nhu yếu phẩm, lắp máy ATM gạo miễn phí, gian hàng 0 đồng, phiên chợ 0 đồng…

Chung tay cùng nhà nước, cộng đồng dân cư cũng không đứng ngoài cuộc. Tùy theo sức của mình, mỗi người dân đã có những việc làm cụ thể, phù hợp để giúp đỡ người nghèo khó trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Đó là bà cụ già ngày ngày may khẩu trang tặng người qua đường; là những em học sinh nhịn ăn sáng để góp tiền giúp bạn nghèo có đồng phục, sách vở đến trường; là chị bán vé số sẵn sàng chia sẻ một phần số gạo vừa được tặng với bạn trọ; là những người mẹ, người chị rủ nhau “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân vùng dịch bệnh; là những người hàng xóm phân công nhau chăm lo cho “hậu phương” để những người nơi tuyến đầu an tâm chống dịch…

Đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay được dự báo còn diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương đã tạm dừng hoạt động một số dịch vụ để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Điều đó sẽ kéo theo một bộ phận người lao động lâm cảnh khó khăn do mất việc, giảm việc làm, dẫn đến giảm thu nhập. Nhưng cũng như những đợt thiên tai, dịch bệnh trước đó, Chính phủ, cộng đồng sẽ không đứng ngoài cuộc, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cả nước sẽ lại phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn, đồng thời cùng nhau chống dịch trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Mức độ nguy hiểm với sức khỏe con người và sức tàn phá của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế đã được minh chứng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do vậy, mỗi người dân cần tự giác, tích cực vào cuộc bằng cách chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ, của địa phương về phòng, chống dịch. Tin tưởng rằng, tinh thần đoàn kết của người Việt sẽ tiếp tục được phát huy, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này và dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi!

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.