Hội Nông dân tỉnh BR-VT vừa “giải cứu” hơn 19 tấn hành tím của tỉnh Sóc Trăng. Việc làm này nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Nông dân Sóc Trăng do hành tím tại địa phương này không tiêu thụ được bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thông tin từ Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, sản lượng hành tím của địa phương này tồn đọng hơn 50 ngàn tấn, trị giá khoảng 750 tỷ đồng từ tháng 4 đến nay.
Đã có rất nhiều cuộc “giải cứu” nông sản được kêu gọi thời gian qua nhằm giúp nông dân giảm một phần thiệt hại trong mùa dịch COVID-19. Đầu tháng 2/2021, hình ảnh ruộng cà chua, củ cải, su hào, bắp cải của bà con nông dân tại các địa phương như Hải Dương, Hà Nội, Nghệ An… bị ứ đọng, khó tiêu thụ đã khiến nhiều người thương cảm. Lời kêu gọi ngay lập tức được phát động để “giải cứu” trên quy mô toàn quốc.
Năm nào cũng vậy, tình trạng “giải cứu” hàng loạt như thanh long, chuối, ổi, dưa hấu… thường xuyên diễn ra. Ngay tại thời điểm này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đang “đứng ngồi không yên” khi rộ mùa thu hoạch trái cây hè nhưng giá bán giảm mạnh, thậm chí thương lái cũng không thu mua. Mít Thái chỉ 5.000 đồng/kg, bơ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại; thanh long 3.000-5.000 đồng/kg… Các cuộc “giải cứu” cũng đang được cộng đồng mạng kêu gọi, giúp nông dân thu hồi vốn.
Nhìn ở góc độ tích cực, các cuộc giải cứu đó đã cho thấy truyền thống, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, sẻ chia của người dân Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy dẫn đến tình trạng nông sản bị đổ bỏ là điều không thể tránh khỏi. Ở góc độ thị sản xuất và tiêu thụ, tình trạng nông sản phải “giải cứu” cho thấy, nông dân luôn yếu thế mỗi khi xảy ra những biến động từ thị trường. Nông dân cũng cứ mãi loay hoay bài toán thay đổi nuôi con gì, trồng cây gì, mỗi khi gặp vụ giá rẻ lại tính đến chuyện trồng cây khác. Câu chuyện hồ tiêu là một ví dụ điển hình. Khi giá cao nông dân đổ xô trồng, bất chấp khuyến cáo nguồn cung đang dư thừa. Khi giá giảm sâu thay vì đầu tư công nghệ để sản xuất sạch, nâng cao giá trị thì nông dân lại đua nhau chặt bỏ hàng loạt. Vì vậy, nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng”. Vòng luẩn quẩn này phá hoại ghê gớm sức sản xuất trong nông nghiệp.
Đã đến lúc không thể mãi “giải cứu” nông sản. Thực tế đã chứng minh nông sản, hàng hóa không thể trông chờ mãi vào những cuộc giải cứu tự phát. Đó là cần mô hình vận hành chuẩn về tiêu thụ chuỗi nông sản, hàng hóa mỗi khi có sự cố trong sản xuất, phân phối, bao gồm cả trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh như COVID-19. Không có con đường nào khác là phải xây dựng chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến siêu thị, xuất khẩu, đặc biệt là phải hình thành chuỗi giá trị với nông sản chủ lực của từng vùng, sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Trước hết phải quy hoạch vùng nguyên liệu, không chỉ riêng trong khâu nuôi trồng mà phải có cả hệ thống dịch vụ hậu cần (logistics), đầu tư kho lạnh, bảo quản, đẩy mạnh chế biến sâu để nâng giá trị, hạ giá thành và tăng tính cạnh tranh. Điều chỉnh sản xuất, linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; xây dựng, định hình lại chuỗi cung ứng để tránh bị tác động từ bên ngoài và giảm rủi ro từ một thị trường cũng là việc cần làm ngay đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay.
NGÔ GIA