Đợt bùng phạt dịch lần này đã được Chính phủ cảnh báo có thể lây lan diện rộng trên cả nước. Đến nay, đã có ca bệnh xuất hiện ở 26 tỉnh, thành. Đồng nghĩa với việc, hơn 1 nửa đơn vị hành chính cấp tỉnh đã xuất hiện dịch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh biên giới phía Nam vào ngày 9/5 chỉ rõ, nguy cơ dịch bệnh lây lan ra toàn quốc đã hiện hữu. Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi cả nước dốc sức phòng, chống dịch và sẵn sàng chuẩn bị cho kịch bản cả nước có tới 30.000 người nhiễm bệnh.
Trong 8 nhóm giải pháp Thủ tướng đề cập đến để khống chế dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chống dịch với phương châm mỗi tỉnh là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, là thành viên của một pháo đài. Nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu phải đánh giá đùng tình hình để không làm xáo trộn đời sống nhân dân.
Dịch COVID-19, trong mỗi lần bùng phát lại kéo theo vô vàn những lo toan. Ai cũng lo sợ hệ thống phòng thủ sẽ bị chọc thủng, xã hội rơi vào cảnh xáo trộn nghiêm trọng, như đã và đang xảy ra ở một số nước. Người ta lo bệnh viện không đủ chỗ cho người cần chữa trị, không có đủ máy thở cho người bệnh. Và đương nhiên, có cả nỗi lo hàng hóa sẽ thiếu thốn, thực phẩm không đủ dùng trong bối cảnh phải sống cách ly, chia cắt… Đó đều là những nỗi lo rất thực tế.
Nói riêng về hàng hóa thiết yếu, thời gian gần đây, nhiều mặt hàng đã tăng giá nhanh. Động thái đó của thị trường như gieo thêm vào người dân sự lo lắng về một sự khan hiếm hàng hóa. Có những người lo xa đã vội vàng tích trữ lương thực, thực phẩm. Họ sợ đến một lúc nào đó rồi mì tôm cũng không có mà ăn. Đúng là, ai cũng có quyền tự lo lắng cho bản thân và gia đình. Lo lắng cũng là một yếu tố cần thiết để chống dịch. Vì biết lo lắng cũng là một trong những ưu điểm của nhận thức con người về tự bảo vệ mình.
Người viết bài này không dám đưa ra bất cứ một lời khuyên nào để giải tỏa nỗi lo riêng của mỗi người. Chỉ biết rằng, vào lúc này, điều cần thiết chúng ta cần làm là tuân thủ những khuyến cáo của cơ quan chức năng, tin tưởng vào năng lực ứng phó và giải pháp của các cấp chính quyền, như cách mà chúng ta đã vượt qua 2 đợt bùng phát dịch trước đây.
Mới đây, trên trang cá nhân, một nhà hàng tiệc cưới lớn tại TP. Vũng Tàu cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 họ phải tạm hoãn hơn 10 đám cưới. Nhưng không phải lý do không đủ nguồn cung hàng hóa. Nhà hàng kêu gọi mọi người khi có nhu cầu về thực phẩm, chỉ cần gọi điện sẽ có nhân viên mang đến nhận nhà. Khách hàng cũng có thể mua thực phẩm tươi sống về chế biến bất cứ lúc nào.
Qua khảo sát hệ thống bán hàng online, rất nhiều cá nhân, DN bán thực phẩm đã sẵn sàng phục vụ khách hàng tại nhà. Cách làm này của họ, không chỉ giúp cho người dân có thể hạn chế ra đường trong mùa dịch mà còn giúp họ kinh doanh hiệu quả. Điều đó cũng cho thấy, nguồn cung hàng hóa trên thị trường hiện đang rất dồi dào. Tại một số siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như Vinmart, Lotte, Co.op Mart luôn đầy ắp hàng hóa. Nhiều mặt hàng đang có khuyến mãi lớn. Giám đốc một siêu thị lớn trên địa bàn TP. Vũng Tàu khẳng định, siêu thị bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong bất cứ hoàn cảnh nào và tăng cường kênh bán hàng online để phục vụ nhu cầu khách hàng trong mùa dịch.
Về phía ngành công thương cũng cho biết đã làm việc với các chợ, siêu thị trên địa bàn về công tác bảo đảm hàng hóa phòng, chống dịch. Các đơn vị chuyên cung cấp mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác hiện đã có cam kết cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19…
Như vậy, với những gì đang diễn ra trên thị trường đã giúp tôi loại bỏ đi nỗi lo trong ngày dịch. Hàng hóa không chỉ dồi dào, phong phú khắp các chợ, siêu thị mà còn được phục vụ ngay tại nhà. Và hẳn là vào một kênh bán hàng trực tuyến và đặt hàng sẽ là cách lựa chọn tốt trong mùa dịch. Vì nó có thể giúp ta tránh tiếp xúc với quá nhiều người không cần thiết.
PHAN HÀ