Doanh nghiệp du lịch cần trợ lực

Thứ Sáu, 14/05/2021, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Anh bạn làm quản lý một resort vừa điện thoại thông báo chủ đầu tư đã quyết định tạm đóng cửa resort để chung tay phòng chống dịch COVID-19 và giảm chi phí vận hành vì không có khách. Thời gian tạm đóng cửa chưa biết bao lâu do hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 trong nước.

Anh bạn cũng cho biết thêm, trong tổng số gần 200 lao động đang làm việc tại resort, chủ đầu tư chỉ giữ lại nhân sự 4 bộ phận “cứng” gồm: kỹ thuật, chăm sóc cảnh quan, làm buồng và bảo vệ, còn tất cả các bộ phận khác chỉ bố trí người trực điện thoại, xử lý thủ tục hoãn - huỷ dịch vụ của khách. Những lao động ở bộ phận “cứng” nếu làm việc 8 tiếng/ngày và 48/giờ tuần được hưởng nguyên lương và các khoản chi trả theo lương. Nhân viên trực làm ngày nào được tính công ngày đó. Còn những lao động dừng hẳn việc thì hưởng trợ cấp từ vài trăm ngàn đến 2 triệu đồng/tháng theo thâm niên công tác.

Anh tâm tư, trước mắt chủ đầu tư quyết vậy, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn nữa thời gian tạm ngừng hoạt động sẽ lâu hơn, vượt sức cầm cự của chủ đầu tư thì chưa chắc các khoản trợ cấp cho người lao động đã còn.

Điều anh bạn lo lắng có cơ sở. Suốt năm 2020, 3 lần dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng, để ngăn dịch lây lan các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế dịch chuyển, tập trung đông người được áp dụng. Tất cả hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch ngừng hẳn, ngành du lịch ngay lập tức chịu tác động. DN lữ hành, kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch rơi vào tình cảnh lao đao, thậm chí nhiều DN chỉ còn bộ khung vì COVID-19. Bộ VH-TT-DL thống kê năm 2020 có khoảng 95% DN lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 5-10%. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Tại BR-VT, Sở Du lịch cũng đã tiếp nhận thông báo ngừng kinh doanh trong các đợt dịch của trên 100 cơ sở lưu trú với 4.000 lao động bị mất việc làm trong năm 2020.

Đợt tái phát dịch COVID-19 lần này dù chưa thống kê được thiệt hại nhưng dự báo sẽ rất nặng nề vì toàn ngành gần như đã kiệt sức chống đỡ suốt năm 2020. Mới trước lễ 30/4, khối DN du lịch còn kỳ vọng du lịch sẽ bật dậy trong mùa cao điểm hè. Nhiều DN dốc vốn, vay mượn tài chính tái đầu tư nâng cấp cơ sở, ra mắt thêm dịch vụ mới, tuyển dụng thêm lao động lành nghề sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để đón khách hè. Vậy mà bất khả kháng phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa vì không có khách và trách nhiệm với cộng đồng và công cuộc ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan phức tạp. Từ hy vọng “hái lượm” mùa du lịch hè DN giờ lại đứng trước nguy cơ đứt gãy, đổ sụp vì chưa biết ngày nào dịch bệnh được kiểm soát mà mùa vàng du lịch hè đã kề cận.

Do vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao ngăn chặn sự đứt gãy trong chuỗi mắt xích phát triển của du lịch, giữ cho các DN vừa phục hồi sau “cơn ốm nặng” không tái bệnh, không bị “khai tử” trước khi dịch được kiểm soát. Để làm được điều này rất cần trợ lực từ nhà nước với những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn sát sườn, nhắm thẳng vào đối tượng thụ hưởng là DN, cơ sở kinh doanh, người lao động trong ngành du lịch như: giảm thuế, giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp, khoanh nợ, giãn nợ, giảm tiền điện, nước, trợ cấp cho lao động mất việc…

TRẦN HIỀN

;
.