Dạy và học trong thời đại số

Thứ Năm, 13/05/2021, 18:38 [GMT+7]
In bài này
.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là khi ở một số địa phương nhiều HS, GV dương tính với SARS-CoV-2 hoặc là F1 của các ca bệnh, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã cho HS tạm dừng đến trường hoặc rút ngắn thời gian thi học kỳ 2 để “chạy” dịch.

Tại BR-VT, ngành giáo dục cũng chủ động các phương án bảo đảm việc dạy và học trong điều kiện dịch bệnh. Theo đó, các cơ sở giáo dục MN, kể cả các trường, nhóm lớp tư thục tạm thời dừng đến trường từ ngày 8/5; HS cấp TH tạm dừng đến trường từ ngày 10/5; HS, SV, HV các cơ sở giáo dục các bậc THCS, THPT, Trung tâm GDTX; các Trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống; các cơ sở đào tạo nghề, các trường ĐH, CĐ, và TCCN trên địa bàn tỉnh tạm dừng đến trường từ ngày 11/5. Trong thời gian tạm dừng các hoạt động dạy - học trực tiếp, các cơ sở giáo dục trên địa bàn căn cứ hướng dẫn của Sở GD-ĐT để chủ động trong công tác giảng dạy và học tập đảm bảo kế hoạch năm học.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khuyến cáo trong thời gian HS không đến trường, các trường học, cấp học tổ chức dạy học, ôn tập với các hình thức linh hoạt, hiệu quả; ổn định về tâm lý, không lơ là và cũng không chủ quan để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. “Tổ chức dạy học, ôn tập với các hình thức linh hoạt, hiệu quả” - theo cách nói của ngành giáo dục, chính là thực hiện việc dạy học, ôn tập trực tuyến qua internet và truyền hình.

Không phải bây giờ mà từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều trường học, cấp học đã kịp chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống sang dạy và học trực tuyến với chất lượng và hiệu quả rất cao, từ việc quản lý lớp học, dạy bài mới, giao nhiệm vụ học tập đến kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Vậy nên, ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, hầu như tất cả các trường đều không bị động khi triển khai học hoặc ôn tập trực tuyến. Hầu hết GV đều có sự chuẩn bị kỹ càng cho buổi dạy còn HS thì không còn bỡ ngỡ, vẫn nghiêm túc và hiệu quả như khi học trực tiếp. Đáng ghi nhận là nhiều bậc phụ huynh đã tích cực chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho con em mình học trực tuyến với quyết tâm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Đúng như ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT đã nhận định, dịch COVID-19 mang đến nhiều áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để GV, HS thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến.

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Mục tiêu nhằm trang bị cho HS những kỹ năng về chuyển đổi số ở mọi cấp học, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Có một thuận lợi lớn là việc dạy và học trực tuyến đã không còn xa lạ ở nước ta, gần 80% HS được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước là 67,5%. Tuy vậy, để trường học số có sự phát triển nhanh, ngành giáo dục phải được đầu tư mạnh mẽ hơn về hạ tầng mạng cũng như chất lượng nguồn nhân lực nhằm triển khai một loạt các vấn đề dạy học qua mạng, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện, thi tốt nghiệp THPT trên máy tính… Và trên tất cả là xây dựng tâm thế sẵn sàng, tạo động lực cho đội ngũ GV tham gia quá trình đẩy nhanh chuyển đổi số trong trường học; Bên cạnh đó, việc xây dựng khung năng lực số cho HS cũng cần được triển khai sớm, ngay từ những cấp học đầu tiên ở các dạng thức đơn giản, phù hợp với lứa tuổi, giúp các em phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trường học không chỉ góp phần mở rộng không gian học tập cho HS ngoài lớp học truyền thống trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường học tập hiện đại, hình thành một nguồn nhân lực có kỹ năng số, một thế hệ công dân số và xa hơn là hình thành quốc gia số.

TRƯƠNG TÙNG

;
.