Bảo vệ thông tin cá nhân
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao bởi 2 vụ mua bán thông tin cá nhân bị phanh phui gần như cùng lúc. Trong đó, Bộ Công an đã bắt giữ cặp vợ chồng là chủ một doanh nghiệp mua trái phép gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỉ thông tin về cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Vụ khác là một người rao bán trên mạng gói dữ liệu 17GB thông tin CMND của hàng chục ngàn người Việt Nam, hiện đang được cơ quan chức năng điều tra.
Câu hỏi đặt ra là, các đối tượng tội phạm này thu thập thông tin cá nhân từ đâu và người mua là những ai, nhằm mục đích gì?
Hầu như ai sử dụng điện thoại cũng đều đã từng bị làm phiền bởi những tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ: bảo hiểm, cho vay tiền, mời mua bất động sản, mời cho con học tiếng Anh… từ những người xa lạ. Một buổi sáng đẹp trời, tinh thần đang vui vẻ, bạn bỗng giật mình vì một cuộc điện thoại bất ngờ: “Xin lỗi, anh chị có phải là phụ huynh của bé Nguyễn Thị A. không?”. Nỗi bất an trỗi dậy, bởi bạn vừa đưa con đến trường hoặc vừa để con ở nhà một mình rồi đi công chuyện. Bạn sẽ liên tưởng ngay đến tình huống xấu: “Con tôi bị làm sao?”. Trái với nỗi bất an của bạn, đầu dây bên kia tuôn ra một tràng dài quảng cáo, mời gọi: “Em bên trung tâm ngoại ngữ B.. Bên em đang có chương trình khuyến mại, mời anh chị cho bé đến trải nghiệm…”. Nỗi bất an đã hết nhưng cơn bực bội lại trào dâng, bởi bạn không hiểu vì sao người này lại biết chính xác họ tên của con mình và còn có số điện thoại của mình nữa. Vậy là cuộc điện thoại đó đã làm hỏng mất một buổi sáng đẹp trời của bạn.
Nhưng những cuộc gọi đó chỉ làm bạn bực mình chút thôi. Có những cuộc gọi từ các đối tượng lừa đảo còn khiến không ít người nghe mất hàng trăm triệu đồng. Chúng nắm rõ thông tin cá nhân, từ số CMND đến địa chỉ nhà, số điện thoại, thậm chí là cả các mối quan hệ của nạn nhân, nạn nhân vừa đến những đâu, đi với ai, làm gì… Từ đó, chúng giả làm cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát nhân dân gọi điện nói nạn nhân liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền nào đó và yêu cầu gửi tiền vào ngân hàng để chúng kiểm tra, sau đó từng bước dẫn dụ khiến nạn nhân sập bẫy.
Hiện nay, người dân khi làm thủ tục tại ngân hàng, đăng ký lắp điện thoại, Internet, đăng ký học thêm cho con hay giao dịch mua xe, bất động sản… đều phải cung cấp các thông tin cơ bản như số điện thoại, địa chỉ, trong đó nhiều thủ tục phải kèm theo bản sao/chụp CMND, hộ khẩu. Nguy cơ thông tin cá nhân của khách hàng bị rò rỉ từ các nhà cung cấp dịch vụ này là rất lớn. Thậm chí, không loại trừ nhân viên của các đơn vị này bán thông tin cho các đối tượng bên ngoài nhằm thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, nhiều người dùng mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram thường xuyên chia sẻ hình ảnh, cập nhật thông tin cá nhân lên mạng. Những thông tin này cũng có thể bị các đối tượng tội phạm sử dụng để lừa đảo hoặc dùng vào mục đích xấu, giả danh nạn nhân.
Hậu quả của việc thông tin cá nhân bị rò rỉ là nhiều người đã bị lừa mất tiền trong tài khoản ngân hàng, bị đối tượng xấu sử dụng thông tin cá nhân của mình cho mục đích hoạt động tội phạm như vay tiền, lập công ty giả khiến nhiều người gặp rắc rối.
Pháp luật đã có quy định về bảo vệ thông tin cá nhân. Trong quá trình giao dịch, các nhà cung cấp dịch vụ cũng luôn cam kết bảo mật thông tin cho khách hàng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do vậy, trong những vụ việc thông tin cá nhân bị rao bán tràn lan, các nhà cung cấp dịch vụ không thể vô can. Tuy nhiên, việc tìm ra đích xác thủ phạm làm rò rỉ thông tin cá nhân từ các nhà cung cấp này là rất khó.
Để tránh rắc rối, mỗi người phải biết tự bảo vệ thông tin cá nhân, không phát tán tràn lan trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, lực lượng công an cần tiếp tục điều tra, làm rõ các đối tượng mua bán, làm rò rỉ thông tin cá nhân; đưa các đối tượng vi phạm ra ánh sáng pháp luật với những hình phạt thích đáng, để không còn xảy ra những vụ việc tương tự nêu trên.
ĐỨC NGUYÊN