"Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang!"
Những ngày này, đi trên đường phố hoặc vùng quê của tỉnh BR-VT, chúng ta bắt gặp hình ảnh hầu hết người dân đều đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy vậy, ở các khu vực công cộng như bãi tắm, chợ dân sinh, công viên… vẫn còn không ít trường hợp phớt lờ việc đeo khẩu trang hoặc đeo kiểu đối phó. Rất kịp thời, lực lượng chức năng đã có mặt để xử lý những người không tuân thủ biện pháp phòng dịch này.
Việc xử lý những đối tượng không đeo khẩu trang ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khá “uyển chuyển”, chủ yếu vẫn là nhắc nhở người dân đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Tại TP. Vũng Tàu, lực lượng chức năng có mặt tại các công viên, khu du lịch, lối xuống bãi tắm để truyền thông về lợi ích của việc đeo khẩu trang, tặng hàng ngàn khẩu trang cho người dân và du khách trước khi họ xuống tắm biển. Chỉ khi những đối tượng thiếu ý thức hợp tác, chống đối hoặc trình bày quanh co để biện minh việc không đeo khẩu trang, lực lượng chức năng mới lập biên bản xử phạt. Mức xử phạt căn cứ theo Nghị định 117 của Chính phủ, từ 1-3 triệu đồng/trường hợp.
Việc xử phạt hành vi không đeo khẩu trang khi đi ngoài đường và tại nơi công cộng ngày càng nghiêm khắc ở nhiều tỉnh, thành phố được người dân đồng tình ủng hộ. Tại Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng lên tới hơn 3 tỷ đồng. Tại Thanh Hóa, lực lượng phòng, chống dịch đã áp dụng mức phạt “kịch khung” 3 triệu đồng với người không đeo khẩu trang. Những trường hợp chống đối khi được nhắc nhở đeo khẩu trang phòng ngừa COVID-19 đều bị xử lý thích đáng.
Từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, việc đeo khẩu trang là điều bắt buộc, đứng vị trí số 1 trong thông điệp “5K” mà Bộ Y tế yêu cầu. Lý do là “5K” có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng.
Trong nhiều hội nghị, cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng như khi làm việc ở các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam luôn nói đến sự “lợi hại” của chiếc khẩu trang. Ông nhấn mạnh: “Đeo khẩu trang bao giờ cũng khó chịu nhưng phải đeo bởi đó là cách thức hữu hiệu và đơn giản nhất để kiểm soát được dịch bệnh”. Không chỉ vậy, ông còn gợi ý các nhà sản xuất về mẫu khẩu trang vải in cờ đỏ sao vàng để khi đeo, người dân không chỉ coi đó là cách phòng, chống dịch bệnh mà còn mang theo quyết tâm, niềm tự hào Việt Nam chiến thắng đại dịch.
Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, tình trạng “cháy hàng” khẩu trang y tế đã xảy ra. Nhiều hiệu thuốc treo biển “hết hàng, đừng hỏi!”. Một số tiệm bán khẩu trang với giá trên trời. Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, tình hình đã khác, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá dù nhu cầu sử dụng khẩu trang của người dân tăng mạnh. Hơn nữa, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại khẩu trang rất thời trang, “mang lại trải nghiệm khác biệt cho người sử dụng, nhìn là muốn đeo ngay” như lời chia sẻ của nhiều bạn nữ. Nó khiến chúng ta nhớ đến thông điệp “Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang” mà Bộ Y tế phát động vào ngày 26/8/2020 với mục đích kêu gọi người dân hưởng ứng việc đeo khẩu trang, nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Nó cũng khiến người ta nhớ đến đề thi cuối học kỳ 2 môn Văn khối 10 ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh mà trong đề thi đó, chiếc khẩu trang là “nhân vật” chính. Khi ra một đề thi vừa mang tính thời sự, vừa có ý nghĩa thực tế, nhân văn như thế ắt hẳn nhà trường muốn gửi đến các em học sinh thông điệp đeo khẩu trang nơi công cộng là một trong những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đơn giản và hiệu quả, vì vậy hãy đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Những ngày này, người ta đọc được trên mạng những lời “động viên” nhau rất dễ thương rằng, chiếc khẩu trang có thể che đi nét thanh tú trên gương mặt nhưng nó lại mang đến một nét đẹp khác cho người đeo: nét đẹp của ý thức!
Cả nước đang đẩy mạnh việc xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng, coi đó là cách để phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Tuy vậy, chế tài, xử phạt “kịch khung” cũng chỉ là biện pháp để mọi người chú ý thực hiện. Điều quan trọng vẫn là ý thức của mỗi người dân. Chỉ khi có ý thức, người ta mới tự giác chấp hành quy định phòng, chống dịch, xem chiếc khẩu trang là vật bất ly thân và tự hào “Tôi vẫn đẹp khi đeo khẩu trang!”.
NGUYỄN TRIỆU HẢI