Dịch vụ logistics cho nông nghiệp và các loại hàng hóa nông sản (HHNS) là một phân ngành dịch vụ lớn trong chuỗi dịch vụ cung ứng logistics. Việc chú trọng đầu tư logistics cho nông nghiệp và tăng cường xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic cho HHNS phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sẽ làm tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nông sản của nước ta, đồng thời góp phần tăng thu nhập đối với người nông dân.
Là một trong các quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, hải sản: gạo, cà phê, điều, hạt tiêu, tôm, cá tra, cá basa… của Việt Nam được khách hàng nước ngoài ưa chuộng và nhiều năm liền giữ thứ hạng cao trên thị trường quốc tế. Do mang tính đặc thù, tính thời vụ, dễ hư hỏng nên HHNS cần phải được thực hiện tốt ở các khâu bảo quản tại các kho, bãi; khâu lưu thông đến người tiêu dùng phải nhanh thì giá trị của HHNS mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, chi phí cho logistics thương mại nông sản vẫn đang giữ ở mức cao, chiếm tới 27-28% giá trị của hàng hóa, cộng thêm thực trạng hao hụt lớn sau thu hoạch đã làm cho nông sản của nước ta bị đẩy giá lên cao, khó cạnh tranh trên thị trường.
Thực tế cho thấy, sức sản xuất nông sản của nước ta rất lớn nên mới có câu chuyện cái gì cũng thừa, đến mức hầu như năm nào cũng phải thực hiện các vụ giải cứu cho nông dân, khi thì dưa hấu, lúc thì thanh long, lúc lại là hành tím…. Cây trái nước ta đủ loại, có nhiều đặc sản, lúa gạo đầy đồng, nhưng giá trị gia tăng của HHNS chưa cao nên người làm nông vẫn chưa giàu. Một trong những nguyên nhân chính là do mảng dịch vụ logistics về HHNS còn nhiều bất cập, hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ; chuỗi kho lạnh còn chưa phổ biến, nhiều doanh nghiệp logistics chưa quan tâm đến lĩnh vực nông sản. Bên cạnh đó, do đặc điểm của HHNS tươi, sống chỉ có giá trị trong một thời hạn ngắn, nên dịch vụ logistcs đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp khác biệt hơn và việc đầu tư hạ tầng kho, bãi cũng tốn kém hơn so với nhiều loại hàng hóa khác. Mặt khác, phần đông nhân lực logistics còn rất thiếu kinh nghiệm, thiếu sự hiểu biết về đặc tính riêng của HHNS, nên nhiều doanh nghiệp coi chuỗi kho lạnh là chi phí đầu tư tốn kém, không hiệu quả và giá trị gia tăng thấp. Các chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn, phân tán đã làm cho nông sản của nước ta bị giảm giá trị, tăng giá thành khi tiêu thụ nội địa và giảm năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Do đó, tăng cường xây dựng các trung tâm logistics cho HHNS là một yêu cầu cấp thiết và cần thực hiện với phương châm không đơn thuần là ngành trung gian mà là ngành đẻ ra giá trị thực sự đối với HHNS.
Hiện tại, dịch vụ logistisc của nước ta mới phát triển mạnh ở các tỉnh, thành phố thuộc các khu vực kinh tế trọng điểm, trong khi ở những vùng tập trung sản xuất HHNS lại còn thiếu vắng loại hình dịch vụ này. Kênh phân phối và bảo quản sản phẩm nông sản chủ yếu qua các chợ đầu mối và chợ dân sinh, trong khi hệ thống này chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm cung ứng số lượng lớn và chất lượng nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Cả nước hiện có khoảng 44.000 doanh nghiệp tham gia thực hiện các dịch vụ logistics. Trong đó, 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 2% là các doanh nghiệp FDI. Mặc dù vậy, nghịch lý yếu thế lại rơi vào các doanh nghiệp logistics trong nước do quy mô nhỏ lẻ và phân tán, còn các doanh nghiệp logistics FDI tuy số lượng ít nhưng lại chiếm thị phần quá lớn, lên tới 70-80%.
Thực hiện mục tiêu các mặt hàng nông sản Việt Nam ổn định về số lượng, tăng về chất lượng và hạ giá thành sản phẩm đòi hỏi cần phải tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho HHNS, nhất là các vùng sản xuất HHNS chủ lực, tập trung. Trong đó, chú trọng đầu tư vào chuỗi lạnh (kho lạnh, xe lạnh, container lạnh …); cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ, tận dụng tốt đường sắt, phát triển logistics hàng không; xây dựng các trung tâm chiếu xạ, trung tâm kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm. Đồng thời, cần thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng trung tâm logistics nông sản, là nơi để tập trung nguồn hàng, đầu tư thị trường, bảo đảm được chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm đối với HHNS.
HOÀNG LÊ