Đau xót, bàng hoàng và căm phẫn là cảm giác của dư luận khi hay tin cháu P.N.Q.N. (5 tuổi, ngụ khu phố 3, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) bị xâm hại và sát hại tối 17/4. Hình ảnh cháu N. nằm bất động bên bãi đất trống đã khiến nhiều người ứa nước mắt, không nói nên lời. Nghi can Phạm Văn Dũng (SN 1975), hàng xóm của nạn nhân được cho là kẻ đã gây nên tội ác man rợ đó. Rồi đây, kẻ thủ ác sẽ phải chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật. Bà con lối xóm căm phẫn nói tử hình cũng không hết tội ác của con thú đội lốt người này.
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) thời gian qua có chiều hướng gia tăng ở nước ta, cả về quy mô và cách thức thực hiện. Gia đình, nhà trường - những nơi tưởng chừng như an toàn nhất cũng xảy ra tình trạng này bởi những người thân thích, ruột thịt. Không ít vụ XHTDTE mang tính chất dã man, mất nhân tính gây rúng động dư luận mà trường hợp cháu N. là một điển hình.
Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về xâm hại trẻ em cho thấy trong 5 năm (2015-2019) cả nước có hơn 6.000 trẻ em bị XHTD. Nhưng, số vụ được phát hiện, xử lý chỉ mới là “phần nổi của tảng băng”, chưa phản ánh hết thực trạng. Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao nhấn mạnh.
Các chuyên gia pháp lý cũng như y tế đã nói nhiều về việc trẻ bị XHTD, ngoài chịu đau đớn về thể xác, còn bị sang chấn tâm lý, trầm cảm, rối loạn lo âu trong một thời gian dài, thậm chí suốt đời. Họ đề nghị xỷ lý nghiêm, ở mức cao nhất với những đối tượng có hành vi thú tính đó. Các ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Phương thì sử dụng những cụm từ “đau đớn thay, phẫn nộ thay” khi nói về tình trạng trẻ em bị XHTD. Hai vị đại biểu này đề xuất áp dụng biện pháp “tiêm thuốc” những kẻ bệnh hoạn, nâng mức xử phạt hành chính lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại, chống xu hướng tái phạm cao nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em. “Nếu trong pháp luật mình đưa hình thức xử phạt này vào thì ít nhất là phải giảm 50% vụ việc XHTDTE trong tương lai”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương quả quyết.
Mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại. Thực trạng nhức nhối ấy đòi hỏi các cơ quan pháp luật phải có những biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn với tội phạm XHTDTE. Nhưng, chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTDTE thì lại có nhiều khoảng trống. Bà Đào Hồng Lan, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH chỉ ra những “khoảng trống” đó như sau: Pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi XHTDTE nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em. Pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em nạn nhân của xâm hại, đặc biệt là trẻ em bị XHTD khi tham gia vào quá trình tố tụng…
Và đây, những “khoảng trống” khác: Nhiều vụ án, việc xử lý hành vi XHTDTE chưa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật; nhiều vụ án giám định pháp y vào cuộc quá muộn nên không đủ căn cứ, chứng cứ, rất khó xử lý; nhiều vụ án xét xử chậm, kéo dài, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Chính những “khoảng trống” này mà không ít kẻ thủ ác thoát tội, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, thực tế khiến người ta phải sốt ruột. Những kiến nghị, đề xuất vẫn chỉ nằm trên giấy, những “khoảng trống” pháp luật vẫn chưa được “lấp đầy”. Đó là chưa nói việc chúng ta đang thiếu một mạng lưới thu thập thông tin, phát hiện sớm, hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý giảm thiểu XHTDTE trong cộng đồng.
Có một giải pháp quan trọng tưởng như dễ thực hiện nhưng lại không được coi trọng, đó là sự quan tâm, bảo vệ con cái của các phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ vì mưu sinh, hoàn cảnh nghèo khó hoặc hôn nhân đổ vỡ đã xao nhãng trách nhiệm, bỏ bê con cái, biến các em thành mục tiêu cho kẻ xấu giở trò đồi bại.
XHTDTE là một tội ác không thể dung thứ. Chỉ khi có sự chung tay hành động của gia đình và cả cộng đồng, hành lang pháp lý được rà soát, bổ sung, tăng nặng hình phạt cùng cách thực thi pháp luật nghiêm minh, nạn XHTDTE mới có thể được ngăn chặn, những kẻ biến thái biết sợ mà từ bỏ hành vi đồi bại, những mầm ác khác không thể phát sinh.
T.T