Chị Thùy kéo tay mẹ, tính ghé vào hàng rau, trái cây ở ngay sát cổng chợ để mua vài ký mít được lột sẵn. Những múi mít căng mọng, vàng ươm, trông thật bắt mắt. Vậy nhưng, mẹ chị nhất định không mua, chỉ bởi chị bán trái cây đã dùng tay trần (không mang bao tay) lúc lột mít và cũng bàn tay ấy cầm tiền, thối tiền cho khách. Chưa kể, khay đựng mít đã lột vỏ nằm gọn lỏn giữa những mớ rau muống, rau mồng tơi, rau khoai… ướt sũng nước.
Mẹ chị còn nhắc khéo chị bán trái cây về vệ sinh thực phẩm, dù chị phân bua, tay rất sạch, đã rửa rất kỹ lưỡng…
Câu chuyện an toàn thực phẩm của bà còn được kéo dài đến tận bữa cơm tối, khi trên tivi phát chương trình “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021” ở bản tin thời sự!
Chị Thùy là bạn thân của tôi, vẫn thường kể chuyện về mẹ mình như thế, nhưng với giọng vô cùng tự hào về độ hiểu biết, hiện đại của mẹ. Mỗi lần nghe chuyện, chính chúng tôi cũng cảm thấy mình được “tuyên truyền” về đủ thứ kiến thức và lần này là an toàn thực phẩm.
Từ năm 2014, thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, hằng năm các Bộ, ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” kéo dài từ 15/4 đến 15/5.
“Tháng hành động” hàng năm còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.
“Tháng hành động” cũng nhằm gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Dù năm nào cũng có “Tháng hành động”, nhưng vẫn dễ dàng bắt gặp tình trạng chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhiều nơi. Chỉ tính riêng năm 2020, số tiền xử phạt các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm của cả tỉnh là hơn 1,2 tỷ đồng, với 198 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành. Chưa kể, vô số những lỗi vi phạm nhỏ như câu chuyện “chị bán mít” kể trên thường chỉ bị nhắc nhở, khuyến cáo.
Trên thực tế, ý thức của người tiêu dùng cũng tác động không nhỏ đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Nếu người tiêu dùng có kiến thức, thay đổi thói quen, luôn tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm thì buộc người cung cấp thực phẩm cũng phải “chiều” theo. “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” có lẽ nên kéo dài suốt năm ở mỗi gia đình, mỗi người tiêu dùng, mỗi cơ sở kinh doanh, cũng như cấp chính quyền để duy trì độ “cao trào” trong mọi khâu cho đến khi cộng đồng có ý thức, hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm.
THẢO LINH