Chuyện “phí bôi trơn” lại “nóng” lên khi Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 công bố sáng 12/4. Theo đó, hơn 32% người được hỏi cho biết, họ đã phải trả thêm tiền ngoài quy định mới làm xong “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho hộ gia đình. Như vậy, “phí bôi trơn” cho yêu cầu cấp “sổ đỏ” đã tăng mạnh trở lại sau 2 lần giảm, một lần vào năm 2018 (15%) và gần đây là năm 2019 (22,3%).
Từ sau khi được triển khai năm 2009, từ ngữ “chi phí không chính thức” - một cách gọi khác của “phí bôi trơn” luôn xuất hiện trên báo cáo hàng năm của PAPI. Nhiều đại biểu Quốc hội đã gọi đó là tham nhũng vặt trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Với nhiều người dân, “sổ đỏ” quan trọng không kém gì sổ hộ khẩu. Ngày nào mà những mảnh đất họ sở hữu chưa có “sổ đỏ”, ngày đó còn ăn ngủ chưa yên. “Sổ đỏ” không chỉ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người dân và việc thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong số đó. Vì vậy, để nhanh chóng có “sổ đỏ” trong tay, nhiều người dân đã sử dụng tới “phí bôi trơn”. Điều đáng lo ngại là một bộ phận người dân không coi đó là “chạy chọt”, là “lót tay” mà là hành vi ứng xử cần có trong giao tiếp xã hội. Ai cũng “bôi trơn” mà mình không làm thì thiệt thòi ráng chịu”(!) Họ không hiểu rằng sự ngộ nhận và việc làm sai trái này kéo dài sẽ dần hình thành một đội ngũ CBCC hách dịch, sách nhiễu, cửa quyền; Hình thành và nuôi dưỡng tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền.
Khách quan mà nói thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiêu khê là môi trường thuận lợi để nạn “tham nhũng vặt” phát triển. Từ những phức tạp, rườm rà ấy của thủ tục hành chính, một bộ phận CBCC đã nghĩ ra và ngày càng lún sâu vào một thói quen xấu có “bôi trơn” thì mới làm việc, không có thì tìm cách trì hoãn, gây khó khăn.
Nằm trong mục tiêu đẩy nhanh quá trình cấp “sổ đỏ” cho người dân, Bộ TN-MT đã công bố thông tin về đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp về tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục cấp “sổ đỏ”. Dầu vậy, hiệu quả của giải pháp này vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Khi gặp khó khăn, người dân vẫn sử dụng phí “bôi trơn” thay vì gọi điện tới đường dây nóng vì lo ngại sẽ không được việc lại mất nhiều thời gian. Một chuyên gia về quản lý đất đai thuộc Bộ TN-MT chia sẻ.
Trong một buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có chia sẻ: “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu!”. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhìn nhận, đánh giá tham nhũng vặt gây ra hậu quả cũng rất nặng nề, không kém gì tham nhũng lớn. Quả thật, tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề “vặt”. Những CBCC vòi vĩnh, sách nhiễu người dân không những vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ mà còn làm xấu hình ảnh CBCC, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan công quyền. Vậy nên, tham nhũng vặt, dù chỉ vài chục, vài trăm ngàn đồng cũng phải xử thẳng tay mới thực sự giữ nghiêm phép nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh đến sự liêm chính, coi đó là gốc rễ cho mọi cải cách, phát triển. Điều đó có nghĩa nhanh chóng rà soát, phát hiện loại ra khỏi bộ máy công quyền những CBCC thiếu liêm chính, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vòi vĩnh, sách nhiễu người dân; Cho nghỉ việc hoặc chuyển công tác những CBCC năng lực hạn chế, thực thi công vụ kém hiệu quả. Tất nhiên để đẩy lùi, triệt tiêu nạn tham nhũng vặt có hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính toàn diện; công khai minh bạch các bước tiếp nhận hồ sơ, cấp “sổ đỏ” bằng phương thức qua mạng, chú trọng xây dựng văn hóa và đạo đức công vụ trong CBCC, biết nói không với tệ “bôi trơn”, với tham nhũng “vặt”. Có như vậy, mới loại bỏ được khoản “phí bôi trơn” một thời là những “ghẻ ruồi”, “ổ mối” gây nên sự ấm ức, khó chịu cho người dân.
NGUYỄN HƯNG NHƠN