Kinh tế tư nhân (KTTN) đã được Đảng ta xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; là một trong ba nòng cốt (cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể) để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã khẳng định: “KTTN được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ”. “Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng. Hình thành, phát triển những tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu DN hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP khoảng 55%; tỷ lệ nội địa hóa đạt mức 30%”.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, từ năm 2017 đến nay, khu vực KTTN không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vào thời điểm hiện tại, KTTN đang đóng góp khoảng 43% GDP, 30% ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Khảo sát trong 5 năm trở lại đây, KTTN nước ta được thế giới biết đến qua những tên tuổi của các tập đoàn, như: Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan … Nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Hiện cả nước có 29 DNTN có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng sự phát triển của khu vực KTTN, trong đó chủ yếu là DNTN vẫn chưa như mong đợi. DNTN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này; đa số các DNTN có quy mô DN nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% trong tỷ trọng DN ở cả ba nhóm ngành: Nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Sự liên kết của các DNTN còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ với DN có quy mô lớn. Lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn kinh tế và DNTN chủ yếu tập trung vào các loại hình: Dịch vụ, bất động sản và các ngành, nghề chi phí đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh; hiện vẫn còn thiếu vắng những DN “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng trong nước và quốc tế.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, các chuyên gia tư vấn đã đặt ra các vấn đề cần giải quyết để KTTN thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, xóa bỏ các rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN; hỗ trợ KTTN đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành và phát triển những tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DNTN, tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP khoảng 55%; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DNTN với tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP đạt 60-65%.
Với việc thu hút khoảng 85% lực lượng lao động trong cả nước, có thể khẳng định KTTN là “tấm đệm giảm sốc” cho nền kinh tế đất nước, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu tác động bởi các yếu tố gây nhiều bất lợi từ đại dịch covid-19, từ biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và xâm nhập mặn. Để chiến lược sản xuất, kinh doanh mang tính khả thi cao, DNTN cần nắm bắt kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và những đòi hỏi về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống người tiêu dùng. Từ đó, mỗi DN cần xây dựng chiến lược riêng, phù hợp với khả năng về vốn, về năng lực nhân sự, về mục tiêu phát triển và ngành hàng tham gia sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, để hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao, các DNTN cần coi trọng yếu tố khoa học công nghệ trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, với tự do hóa mạnh mẽ cùng những chuẩn mực mới tạo nhiều cơ hội mở rộng thị trường và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
HOÀNG LÊ