Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, số DN thành lập mới đạt 18.129, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 15.864 DN có vốn đăng ký từ 0-10 tỷ đồng, tăng 1,3%; 1.092 DN có vốn đăng ký từ 10-20 tỷ đồng, tăng 24,9%; 565 DN có vốn đăng ký từ 20-50 tỷ đồng, tăng 16,7%; 287 DN có vốn đăng ký từ 50-100 tỷ đồng, tăng 36,7%; 321 DN có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, tăng 52,9%. Sự gia tăng về số lượng các DN có vốn đăng ký lớn cho thấy niềm tin của cộng đồng DN được cải thiện.
Những con số trên là tín hiệu khởi sắc cho nền kinh tế đang ngày càng có những điểm sáng trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Và sự lớn mạnh này, một phần đáng kể nhờ vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nền kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng. “Một tay không vỗ nên kêu” cũng đúng trong trường hợp này, khi trên thực tế, các thành phần kinh tế, loại hình kinh tế cần có sự hậu thuẫn từ chính sách của Nhà nước để phát triển bình đẳng.
Bộ KH-ĐT được giao chủ trì soạn thảo Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế”, nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (ngày 3/6/2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cũng trong tháng 2 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã có phiên họp trực tuyến với một số địa phương để bàn thảo về đề án này, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Đổi mới quản lý Nhà nước đối với kinh tế tư nhân phải thúc đẩy được vai trò đi đầu về đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân, tạo niềm tin mạnh mẽ và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở Việt Nam”.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, sự lớn mạnh của các DN, tập đoàn kinh tế tư nhân đã cho thấy rõ nét vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tư nhân trong tổng thể nền kinh tế của nước ta.
Nghị quyết số 10 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN. Và: Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%. Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của DNTN so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều DNTN tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Muốn đạt được như vậy, phương thức quản lý của Nhà nước phải được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân… Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi và phát huy sự năng động của kinh tế tư nhân; đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực này, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh.
Song song với đó, các DNTN cũng cần năng động, sáng tạo hơn nữa để nắm bắt cơ hội, tự lực vươn lên. “Hai tay mới vỗ nên kêu”, các DNTN không thể ngồi yên chờ đợi chính sách. Bởi, theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2017 đến nay, thực hiện phương châm đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước, Chính phủ đã sử dụng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (chỉ số GII) như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, ngành, địa phương cải thiện chỉ số này. Nhờ đó, chỉ số GII của Việt Nam những năm qua đã liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 42 (năm 2019 và năm 2020). Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển để phục vụ đổi mới sáng tạo tại các DN của Việt Nam những năm gần đây dù đã tăng lên, nhưng mới chỉ đạt ngưỡng 1% tổng doanh thu, quá thấp so với bình quân chung của các nước trong khu vực là 9%.