Gắn văn hóa với du lịch để tạo "món ngon"

Thứ Sáu, 26/03/2021, 18:05 [GMT+7]
In bài này
.

Đến Huế, ít ai không trải nghiệm tour du lịch trên sông Hương bằng thuyền rồng và nghe ca Huế. Giọng ca ngọt ngào, đậm chất âm hưởng xứ Huế mộng mơ, dịu dàng, dễ làm say đắm lòng người. Đó chính là sản phẩm du lịch văn hóa của Huế thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế. 

Cũng như ở Hội An, lễ hội thả đèn lồng từ thế kỷ XVI-XVII được tái hiện vào ngày Rằm hàng tháng là một trong những điểm nhấn ấn tượng du lịch văn hóa của xứ Quảng. 

Có thể thấy, bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục... du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. 

Ở BR-VT du lịch văn hóa rõ nhất là tour trải nghiệm ở Nhà lớn Long Sơn với sự tái hiện những nét đặc sắc của vùng, miền, ngay trong cách ăn mặc của hướng dẫn viên là các cụ ông, cụ bà bản xứ gắn với tín ngưỡng Ông Trần của vùng đất từng là xứ đảo. Ngoài ra còn phải kể đến các lễ hội Nghinh Ông Thắng tam ở TP. Vũng Tàu và TT. Phước Hải (huyện Đất Đỏ) gắn với ngư dân vùng biển trong tục thờ Cá Ông. 

Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng... để tạo sức hút với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ. 

Gắn văn hóa với du lịch chính là tạo ra “món ngon” để phục vụ nhu cầu của du khách, tạo sự khác biệt trong sản phẩm du lịch của địa phương để thu hút du khách. Điều đó càng cần thiết hơn khi mức độ cạnh tranh ngày càng cao trong thị trường du lịch, đòi hỏi phải có sự đổi mới, đa dạng về sản phẩm. Ngoài ra, du lịch văn hóa cũng được coi là rất phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển bền vững của nước ta. 

Tuy nhiên, để tạo ra những sản phẩm đậm chất “văn hóa gắn với du lịch”, người làm du lịch phải có trình độ nhất định, am hiểu về văn hóa truyền thống của cộng đồng bản địa, được đào tạo bài bản về văn hóa nghệ thuật. Để từ đó có thể tạo được những sản phẩm có hiệu ứng cao từ các hoạt động biểu diễn, lưu lại được những giá trị và ấn tượng văn hóa trong lòng du khách. 

Lâu nay, văn hóa được gắn với du lịch để hấp dẫn du khách đã được nhiều địa phương triển khai. Tuy nhiên, mới chỉ bó hẹp ở một số thời điểm nhất định, với những lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức, nhưng chưa tạo thành sản phẩm du lịch được kết nối với các công ty lữ hành để trở thành món hàng bán cho du khách. Những lễ hội đó chủ yếu đang trong phạm vi phục vụ cộng đồng. 

Để tạo ra sản phẩm có thể bán được cho khách du lịch, cần phải “thổi hồn” vào văn hóa bản địa, với sự tham gia của cộng đồng địa phương mà chính những người dân sở tại là chủ đạo, là tuyến diễn viên chính của các chương trình. Chúng ta đã có một số khởi đầu trong kết hợp văn hóa với du lịch đem đến hiệu quả nhất định, nhưng để bài bản hơn, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, cơ quan chức năng. Cần có chiến lược lâu dài để khơi dậy và khai thác những di tích lịch sử, những truyền thuyết, những giá trị văn hóa nghệ thuật bản địa để tạo ra những sản phẩm du lịch, chương trình du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Đây chính là nguồn lực vô giá để tạo nên “món ngon”, có bản sắc độc đáo riêng, không hề lặp lại ở bất cứ đâu để thu hút du khách trong và ngoài nước. 

THẢO TRẦN

;
.