Lên các trang web trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu dịch vụ du lịch của mình, chăm sóc khách hàng trên các mạng xã hội... đã trở thành những công việc hàng ngày của nhiều chủ trang trại khi chuyển sang làm du lịch trên địa bàn tỉnh. Các mô hình du lịch nông trại không còn xa lạ đối với du khách đến từ khắp nơi nhờ hoạt động marketing trên các kênh online như Facebook, Google, Zalo… Điểm đến, phương tiện di chuyển, nhà hàng, khách sạn đều có thể dễ dàng đặt ngay trên không gian mạng, chỉ cần “xách ba lô là đi”. Những tiện ích này được xem là kết quả của việc sử dụng công nghệ số vào phát triển du lịch thông minh mà ngành du lịch đang nỗ lực triển khai.
Chưa bao giờ khái niệm về chuyển đổi số lại được nhắc đến nhiều như hiện nay. Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, Internet vạn vật... giờ đây không còn là những khái niệm mới lạ. Bên cạnh cơ chế chính sách được hình thành, khái niệm chuyển đổi số đã và đang trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống. Chính phủ đã tuyên bố chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ ưu tiên để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ KH-CN cũng khởi động các dự án hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Với quan điểm thể hiện xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm, do đó những lĩnh vực liên quan đến người dân được xác định ưu tiên trong chuyển đổi số như: Y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, môi trường, văn hóa… Đặc biệt, việc Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế số trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0. Môi trường pháp lý minh bạch hơn, quá trình xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng của cho phát triển nền kinh tế số được đẩy nhanh. Nguồn nhân lực số cũng được đào tạo và chuẩn bị có chiến lược hơn, chuẩn bị sẵn sàng nền kinh tế số. Các vấn đề như số hoá các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường số giữa Chính phủ với các DN cũng đã được nỗ lực thúc đẩy.
Tại BR-VT, thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, đô thị thông minh là một trong những khâu đột phá được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII. BR-VT cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tích hợp các dịch vụ theo hướng tập trung phục vụ người dân và DN; toàn bộ thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 và tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh. Đồng thời, từng bước triển khai kinh tế số, xã hội số trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: du lịch, dịch vụ, cảng biển, tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, đô thị… Đến năm 2030, BR-VT phải cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh.
Mục tiêu trên đã rất rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ, chuyển đổi số, do đó không phải là chuyển từ giấy tờ sang máy tính, từ thủ công sang tự động, mà phải là chuyển đổi tư duy. Việc cần làm ngay lúc này là từng địa phương, từng DN cho đến người dân phải đổi mới tư duy, cùng hành động để đưa chủ trương này nhanh chóng đi vào cuộc sống.
NGÔ GIA