Mấy ngày qua, cái tên Thơ Nguyễn nổi như cồn trên mạng xã hội. Đây chính là YouTuber đã khiến dư luận dậy sóng khi đăng tải video “vía xin búp bê học giỏi” từ búp bê ma (Kumanthong) trên YouTube.
Rất nhiều phụ huynh đã giận dữ chỉ trích Thơ Nguyễn tiêm nhiễm tư tưởng tiêu cực tới trẻ nhỏ, khiến chúng có suy nghĩ lệch lạc và không quên kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay kênh của cô. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, yêu cầu TikTok và YouTube chặn, gỡ các clip có nội dung không phù hợp của Thơ Nguyễn, đồng thời mời Thơ Nguyễn làm việc về dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan.
Video “vía xin học giỏi” chỉ là giọt nước làm tràn ly. Trong quá khứ, Thơ Nguyễn đã không ít lần nhận “gạch đá” từ dân mạng, các bậc phụ huynh khi tung lên YouTube những clip với những trò chơi hết sức nguy hiểm, kiểu đun lon nước ngọt đóng kín bằng lửa, thí nghiệm bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, hay tắm trong thạch jelly… Sự lo lắng của các bậc phụ huynh là điều dễ hiểu bởi những clip có nội dung phản cảm, tiêu cực của Thơ Nguyễn có thể gây hiệu ứng xấu, ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi, lối sống, nhân cách của trẻ em. Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã nói thẳng “những clip của Thơ Nguyễn là phản khoa học, phản giáo dục và không nên tồn tại!”.
Trước phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, Thơ Nguyễn đã phải đóng Facebook và đăng clip khóc sụt sùi lên TikTok. Khó có thể biết rõ đó là những giọt nước mắt hối lỗi muộn màng hay là sự lo lắng tới đây số người theo dõi kênh - trong đó phần lớn là các em nhỏ, sẽ sút giảm mạnh khi bị họ “ném đá”, tẩy chay.
Thơ Nguyễn chỉ là một trong nhiều YouTuber chuyên làm clip cho trẻ em. Thay vì làm những clip vui nhộn, dễ thương phù hợp với trẻ nhỏ, có tính giáo dục cao, với động cơ “bật nút kiếm tiền” họ đã “sáng tạo” những clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí độc hại, nguy hiểm. Những video nguy hiểm ấy xuất hiện với tần suất dày đặc trên YouTube trong khi việc tiếp cận các video này lại quá dễ dàng khiến các bậc phụ huynh lo lắng, đứng ngồi không yên.
Thời gian qua, Bộ TT-TT đã nhiều lần làm việc và yêu cầu Google tăng cường bộ lọc và công cụ kỹ thuật, chủ động rà soát, phát hiện chặn, gỡ bỏ các video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên Youtube. Google cũng đã hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam gỡ bỏ nhiều clip được “báo xấu”. Thống kê của Bộ TT-TT cho thấy, tỷ lệ gỡ video xấu độc trên nền tảng YouTube từ 50% lên 90%. Tuy vậy, YouTube là một nền tảng chia sẻ “mở”, các biện pháp kỹ thuật luôn đi chậm hơn thực tế, cơ chế kiểm duyệt phụ thuộc vào hậu kiểm, dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Điều đó giải thích vì sao tình trạng các clip xấu, độc hại được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Do vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm, kịp thời giúp trẻ tránh xa những nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi. Giúp con thoát khỏi “cạm bẫy” YouTube không phải là cấm đoán mà là đồng hành, định hướng, phân thích cho con 2 mặt tích cực và tiêu cực của môi trường mạng, giúp con tránh được những nguy hại mà chúng có thể phải đối mặt. Có sự định hướng, dẫn dắt thường xuyên của cha mẹ, các em sẽ biết cách nhận định, lựa chọn những clip phù hợp nhu cầu thụ hưởng của mình, nói “không” với những clip tào lao, vô bổ.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều clip độc hại trên nền tảng YouTube cho thấy, chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ cũng như các chế tài đủ mạnh để các YouTuber ác tâm, vô đạo đức phải chùn tay. Vì những nút bạc nút vàng, nút kim cương, họ sẽ không dễ dàng từ bỏ toan tính làm ra những video nhảm nhí, độc hại ấy. Thực trạng đó đòi hỏi những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng. Phải có những cơ chế để bắt buộc những người sáng tạo nội dung trên các nền tảng xã hội, nếu vi phạm có thể bị đóng kênh. Những chủ kênh thiếu ý thức công dân và trách nhiệm xã hội, chuyên làm ra những video có nội dung nhảm nhí, độc hại cần phải được xử lý mạnh tay bằng những mức phạt nghiêm khắc hơn. Sử dụng sức mạnh cộng đồng mạng - như cách cư dân mạng dành cho Thơ Nguyễn trong mấy ngày qua cũng là cách hiệu quả để loại bỏ khỏi YouTube những video nhảm nhí độc hại, bảo vệ trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước.
NGUYỄN HƯNG NHƠN