Khai báo y tế phải trung thực!

Chủ Nhật, 21/02/2021, 17:50 [GMT+7]
In bài này
.

“Ai đã đến những địa điểm này trong khoảng thời gian từ… đến… ở các địa phương… liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ khai báo y tế (KBYT) phục vụ công tác truy vết phòng chống dịch…”. Từ sau khi các ca lây nhiễm ở cộng đồng được ghi nhận tại 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, sau đó lan ra 11 tỉnh, thành phố khác, những dòng “kêu gọi” như thế xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. 

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành công văn về việc tổ chức giám sát y tế đối với người dân trở về từ các nơi khác. Theo đó, những ai trở về từ các địa phương khác bắt buộc phải KBYT, bản thân và gia đình phải có cam kết và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính trung thực trong KBYT. Cùng với yêu cầu, cơ quan chức năng còn cung cấp các kênh khai báo và các biện pháp hỗ trợ để người dân có thể KBYT thuận tiện, dễ dàng. 

Không phải bây giờ mà không lâu sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước ta, Bộ Y tế và các địa phương đã yêu cầu thực hiện nghiêm KBYT và các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt khác. Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng bay từ chối vận chuyển các trường hợp hành khách không thực hiện KBYT. Sở dĩ cơ quan chức năng phải “siết” lại quy định này bởi gần đây có nhiều trường hợp KBYT không trung thực, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Qua công tác truy xét, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt một số cá nhân cố tình trốn KBYT. Vụ việc mới nhất gây bức xúc dư luận là một nữ giáo viên Trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) gian dối trong KBYT. Trên thực tế, nữ giáo viên này về quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương nhưng lại khai báo là đón Tết tại Hà Nội với anh trai khiến hàng loạt khu vực tại Hải Phòng phải khoanh vùng tạm thời nhằm kiểm soát nguy cơ xuất hiện COVID-19. Trước sự việc đó, UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu Sở GD-ĐT và chính quyền quận Lê Chân kỷ luật nữ giáo viên khai báo gian dối mức cao nhất, xử lý hình sự nếu dương tính. Theo Bộ Y tế, có tới 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19), khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác. Hàng trăm F1 cũng không chủ động KBYT, từ chối giao tiếp với lý do “tôi rất khỏe, tôi có làm sao đâu”(?!)

KBYT là 1 trong “5K” nhằm chung sống an toàn với dịch bệnh mà Bộ Y tế khuyến cáo, bao gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Thực hiện nghiêm túc thông điệp này, mọi người có thể giữ an toàn cho bản thân và xã hội trước dịch COVID-19. Tự giác KBYT sẽ giúp cơ quan chức năng sàng lọc, phát hiện kịp thời các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 để có phương án cách ly, điều trị phù hợp. Ngược lại, không tự giác KBYT hoặc KBYT không trung thực sẽ ảnh hưởng đến công tác điều tra, khoanh vùng, truy vết các F1, F2, F3… và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Có một thực tế là không ít người dân vì ngại hoặc sợ kể chi tiết quá trình di chuyển của mình, nhất là những lần vào ra các quán nhậu, nhà hàng, karaoke nên từ chối hoặc khai báo gian dối khi buộc phải KBYT. 

Một chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh đã rất đúng khi cho rằng, thông tin KBYT của mỗi người là “hàng rào”, là cơ sở dữ liệu đầu tiên để cơ quan y tế truy dấu, tìm nguồn lây một cách nhanh nhất có thể. Cho dù có kiểm soát chặt cỡ nào, nguy cơ “lọt lưới” dịch bệnh vẫn có thể xảy ra, nhiều khi từ một trường hợp đi về từ vùng dịch không KBYT hoặc khai báo không vòng vo, không trung thực. Vị chuyên gia khuyến cáo trong lúc chờ nguồn vắc xin ngừa COVID-19, có một “kháng thể” có sẵn trong mỗi người đó là ý thức. Biết phát huy tác dụng của nó sẽ đồng nghĩa với đẩy lùi được dịch bệnh. Như vậy, KBYT trung thực không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay thì việc nâng cao ý thức của mỗi cá nhân trong KBYT sẽ góp phần xây dựng “bức tường thành” bảo vệ cho bản thân cũng như cộng đồng để chung sống an toàn trước đại dịch nguy hiểm. 

NGUYỄN HƯNG NHƠN

 
;
.