Chị Vân, công nhân làm việc tại một công ty may xuất khẩu khoe với tôi, tranh thủ dịp cận Tết có nhiều siêu thị điện máy khuyến mãi, giảm giá sâu, chị đã mua một chiếc ti vi mới. Đây cũng là mục tiêu mà chị đặt ra trong năm 2020.
Sở dĩ chị Vân mạnh dạn “tạm ứng” trước một số tiền để mua chiếc ti vi mới là vì lãnh đạo công ty thông báo, năm nay thưởng Tết vẫn giữ mức 1 tháng lương, cộng với thưởng chuyên cần. Với năng suất làm việc cao như chị Vân sẽ có một khoản “kha khá” vài chục triệu đồng để sắm Tết.
Nhưng không phải người lao động nào cũng may mắn như chị Vân. Bởi lẽ, những khó khăn vẫn còn đó. Nhiều DN do suy giảm lợi nhuận bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là các DN thuộc ngành du lịch có thể phải thương lượng, thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật.
Thông thường, thưởng Tết luôn là mối quan tâm lớn của người lao động khi thời điểm cuối năm đang cận kề. Bức tranh về mức thưởng Tết 2021 cho đến thời điểm này được một số địa phương công bố thì có rất nhiều DN không thể lo nổi tiền thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, trong mức tranh về thưởng Tết vẫn có những tín hiệu tích cực như TP.Hồ Chí Minh đang có mức cao nhất là 1 tỷ đồng. Đồng Nai có mức thưởng Tết cao nhất là 600 triệu đồng/lao động tại một DN đầu tư nước ngoài, thấp nhất là một tháng lương; hoặc như Đà Nẵng, cao nhất là 127 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng…
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Bộ luật này cũng không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết. Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và phải được công khai tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, dù luật không bắt buộc nhưng thưởng Tết vẫn là điều mà người lao động trông đợi nhất. Bởi lẽ, đằng sau câu chuyện thưởng Tết là những nỗi lo thường trực trong cuộc sống của người lao động như các chi phí sắm Tết, lo Tết cho gia đình, người thân... Do đó, ở một góc độ khác, vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng ở đây là cần có sự giám sát, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực thi Luật Lao động, thỏa ước lao động tập thể đối với vấn đề lương, thưởng của người lao động tại các DN. Chăm lo tốt cho người lao động chính là chăm lo nguồn lực cho sự phát triển của nền kinh tế bền vững.
Thưởng Tết còn phải được xem là văn hóa của DN. Đó là một cách ghi nhận, đánh giá những đóng góp của người lao động suốt một năm trời nhằm tăng năng suất, lợi nhuận cho DN. Thưởng Tết còn được xem như là công cụ quản trị quan trọng để động viên nhân viên, giữ chân người ưu tú, đảm bảo hoạt động ổn định cho DN. Một khi các chủ DN làm được điều này, họ sẽ được đền đáp xứng đáng, bằng sự gắn bó, công hiến hết mình của người lao động.
NGÔ GIA