Vợ chồng bạn tôi làm trong ngành du lịch. Chồng chuyên đón và hướng dẫn khách du lịch tàu biển tham quan Việt Nam, vợ hướng dẫn viên tour nội địa. Năm 2020, dịch COVID-19 xảy đến, du lịch tàu biển ngưng trệ, khách nội địa cũng dừng du lịch. Sau 4 tháng đầu năm, công ty cho nghỉ luôn phiên và chỉ trả phân nửa lương, đến tháng 7 thì cắt giảm hẳn. Mất việc đồng nghĩa nguồn thu nhập chính không còn, khoản tiền hai vợ chồng tiết kiệm được cũng hết từ từ. Để trang trải cuộc sống, anh chồng phải chật vật tìm việc, từ nhận dạy kèm tiếng Anh theo giờ, dạy online đến chạy xe ôm, ai thuê gì làm nấy. Chị vợ cũng tương tự, dịch nhấp nhổm cả năm, thi thoảng mới có vài tour Đà Lạt, BR-VT, Phú Quốc nên thu nhập từ nghề chính chẳng thấm vào đâu. Trong thời gian chờ tour, chị phải xoay đủ nghề, nào làm bánh bán online, dịch thuật, gia sư… Vậy mà kinh tế gia đình vẫn thiếu trước hụt sau, hai vợ chồng phải gửi con về quê cho ông bà để tiết kiệm chi phí.
Câu chuyện của vợ chồng bạn tôi cũng là tình cảnh chung của người lao động thuộc ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn… trong một năm đầy biến động vì đại dịch COVID-19. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, năm 2020, dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch Việt Nam. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm đến 80%, khách nội địa giảm 45%, ước tính thiệt hại khoảng 23 tỷ USD. 18% DN du lịch phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% cho khoảng 50-80% nhân viên nghỉ việc. Có tới 338 DN lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019. Gần đây, dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt trong nước nhưng nền kinh tế khó khăn chung, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu, mảng inbound (đưa khách nước ngoài đến Việt Nam) và outbound (đưa người Việt du lịch nước ngoài) ngừng hẳn nên việc làm trong ngành du lịch vẫn khan hiếm.
Trong hội nghị tổng kết ngành du lịch mới đây, nhiều DN chia sẻ đang làm mọi cách để duy trì việc làm và trả đủ lương cho nhân viên. Và hy vọng dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt trong nước để thị trường du lịch nội địa khởi sắc hơn, DN có khách, có doanh thu, tạo việc làm đều cho người lao động, khi đó sẽ tính toán bù đắp những thiếu hụt trước đó cho nhân viên đã gắn bó lâu dài với DN.
Những ngày cuối năm, thời tiết u ám và se lạnh, cảm giác ngày trôi qua nhanh và Tết cận kề hơn. Đâu đâu cũng rôm rả chuyện thưởng Tết, tôi đến thăm vợ chồng bạn. Trong căn phòng trọ chưa đầy 20m2 bề bộn nguyên liệu, dụng cụ làm bánh, mứt. Vợ chồng bạn khoe vừa tìm được việc làm tại một khách sạn nhỏ, song mức lương chỉ đủ trang trải cuộc sống cơ bản, nên phải tranh thủ làm thêm bánh, mứt bán Tết. Lo toan, thiếu ngủ khiến đôi mắt hoẵm sâu, thế nhưng, nhắc đến nghề du lịch, ánh mắt vợ chồng lại sáng lên, câu chuyện rôm rả hơn với những kỷ niệm vui trên những cung đường hướng dẫn du lịch, những vị khách vợ chồng bạn phục vụ và còn duy trì mối liên lạc sau chuyến du lịch. Vợ chồng bạn bảo dù biết ngành du lịch không thể nắm thế chủ động, mà phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới nhưng vẫn tin tưởng rồi dịch bệnh sẽ chóng qua để một ngày gần nhất được trở lại làm công việc yêu thích.
TRẦN HIỀN