Phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh

Thứ Năm, 28/01/2021, 22:41 [GMT+7]
In bài này
.

Là quốc gia ven biển, nước ta có bờ biển dài hơn 3.260km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hơn 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hơn 3.000 đảo và quần đảo khác. Hơn 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển, có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như: Giao thông vận tải biển, khai thác và chế biến khoáng sản, khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, du lịch biển… Biển và hải đảo ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn, có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng đối với đất nước ta.

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế của biển, đảo và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền an ninh và môi trường biển trong thời gian tới, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Tập trung xây dựng đồng bộ và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Phát triển các ngành kinh tế biển có lợi thế, mũi nhọn như: Du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương… Cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng phát triển khai thác xa bờ, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển. Xây dựng trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm; nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý nghề cá”.

Để đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển, nhiều chuyên gia cho rằng cần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp và các địa phương về phát triển bền vững kinh tế biển. Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế biển, gắn phát triển với phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên tất cả các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng tuyến đảo, hệ thống cảng biển, đô thị ven biển, các ngành dầu khí, đóng tàu, giao thông, du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Đồng thời, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương, các DN và vùng lãnh thổ; hiện đại hóa các DN, các HTX; xây dựng các thương hiệu biển quốc gia, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang phát triển kinh tế biển dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển để xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh, các tập đoàn kinh tế biển mạnh và phát triển các ngành kinh tế biển mới, phấn đấu đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP, 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện thêm một bước đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

Vươn ra biển, khai thác đại dương đã trở thành khẩu hiệu hành động mang tính chiến lược của thế giới. Đối với nước ta, trong tương lai gần, ngành kinh tế biển giữ vai trò chủ yếu để bảo đảm cho nhu cầu đời sống của nhân dân, sau 20-30 năm nữa là để bảo đảm cho đất nước ta giàu mạnh và phát triển. Do đó, cần phải nhìn nhận kinh tế biển, đảo phát triển theo hướng bền vững, bảo đảm quyền lợi lâu dài của đất nước, đưa nước ta trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, đảo và bảo đảm vững chắc chủ quyền biển, đảo. Như dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên và môi trường biển”.

HOÀNG LÊ

 

;
.