Giải "bài toán" chất lượng nguồn nhân lực

Chủ Nhật, 10/01/2021, 17:33 [GMT+7]
In bài này
.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ là một trong 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra khi triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Theo đó, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) xã hội khoảng 4,8% và tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%.

Mặc dù đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Cả nước hiện có tới 42,4 triệu lao động (chiếm 78,1% tổng số lao động) chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào. Khu vực nông nghiệp chiếm tới 37,7% lao động của cả nước nhưng mới chỉ tạo ra 14,7% GDP. Năng suất lao động của kinh tế hộ gia đình phi chính thức cũng thấp nhất trong nền kinh tế. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho nền kinh tế số do chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, khó vươn lên các mắt khâu cao hơn của các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Dẫn ra những số liệu trên đây để thấy rằng chất lượng nguồn nhân lực quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của đất nước, từ đó đầu tư nhiều hơn, bài bản hơn cho công tác đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao NSLĐ, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường phải cùng đồng hành đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Với Chỉ thị 07/CT-TTg, người đứng đầu Chính phủ còn “đặt hàng” các DN, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng NSLĐ.

Kịch bản cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - theo nhiều chuyên gia lao động là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo để đáp ứng nhu cầu của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh khu vực nông nghiệp, khu vực hộ kinh tế gia đình (với 5,1 triệu hộ kinh doanh và 9 triệu lao động, chiếm đến 30% GDP của đất nước) là những “địa chỉ” cần được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng,nâng cao NSLĐ. Chất lượng lao động các khu vực này chuyển biến sẽ nâng cao đáng kể năng suất chung.

Chỉ thị 07/CT-TTg và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 có thể nói là những chiếc “đòn bẩy” giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là “cú hích” quan trọng để các trường nghề chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết DN, với mục tiêu DN là trường học thứ 2. Ở đó, các DN sẽ là người đặt hàng cho đào tạo nghề,  đồng thời là nhà đầu tư, là người xây dựng các giáo trình, đưa ra các tiêu chuẩn nghề nghiệp và cuối cùng cũng là người thẩm định chất lượng và sử dụng lực lượng được đào tạo.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu tăng trưởng bền vững với 4 “trụ cột” kinh tế: Công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 4 lĩnh vực quan trọng này mỗi năm thu hút một lượng lớn nhân lực có tay nghề, đòi hỏi các cơ quan, DN chủ động chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi thị trường lao động mời gọi.

Với việc gắn kết, đẩy mạnh hợp tác 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, những năm qua Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT (BCTECH) đã cho thấy đây là một trong những “kênh” đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động, của các ngành nghề thế mạnh và trọng điểm của tỉnh. Không dừng lại ở đó, BCTECH còn hướng tới việc chuẩn hóa đào tạo nghề theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế.

Đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề gắn với DN, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động, chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số, chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.