Dẹp tệ nạn "tín dụng đen"

Thứ Năm, 21/01/2021, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Chị Nguyễn Thị P. vẫn chưa hết cảm giác bất an khi nhớ lại cách đây 1 năm, cũng vào dịp giáp Tết Nguyên đán, chỉ vì một phút bồng bột tin tưởng vào “ngân hàng cột điện” mà chị khiến cho cả gia đình lao đao. Sở dĩ gọi “ngân hàng cột điện” bởi những thông tin mà chị có được đều ở trên tờ rơi dán cột điện và gần như “giao dịch” cũng ở… vỉa hè!

Chị P. làm công nhân ở khu công nghiệp, do cận Tết, muốn có thêm chút tiền để cả nhà về quê ăn Tết sau chục năm trời lập nghiệp xa xứ. Trên đường đi làm về, tình cờ chị đọc được trên cột điện ven đường mẩu quảng cáo cho vay lấy ngay, lãi suất thấp… Chị đã lưu số điện thoại, và tối hôm đó đã liên hệ để vay 20 triệu đồng.

Ngay trong buổi sáng hôm sau, đã có người đưa tiền đến tận tay cho chị, kèm giấy vay nợ với lãi suất từ 1 đến 1,5%/ngày. Thế rồi, không hiểu cách tính vay và lãi kiểu gì, mà chị loay hoay trả mãi không hết nợ, cứ lãi mẹ đẻ lãi con, tổng số tiền lúc chị trả hết đã gấp mấy lần tiền vay ban đầu! Suốt thời gian dài, chị xất bất, xang bang, thậm chí, còn bị chủ nợ cho tay chân tìm đến tận nơi đe nẹt…

Trường hợp như chị P. không phải là hiếm gặp trong suốt thời gian qua ở BR-VT cũng như cả nước khi nạn “tín dụng đen” len lỏi đến từng ngõ ngách. Không chỉ dán tờ rơi trên tường rào, cột điện mà còn “rải” cac-vi-dit đến tận tay người dân, công nhân lao động, HSSV để dụ dỗ vay tiền với những thông tin mật ngọt: giải ngân nhanh chóng, chỉ cần photo giấy tờ tùy thân, lãi suất thấp, 0% ở những tháng đầu… khiến cho những người có nhu cầu cần tiền gấp dễ sập bẫy. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán, “tín dụng đen” lại càng tăng cường hoạt động và ngày càng có thêm nhiều chiêu thức mới, kể cả cho vay qua app điện thoại. Khi “con nợ” đã “cắn câu”, các “ngân hàng cột điện” sẽ tìm cách tăng lãi suất, gây áp lực, đẩy “con nợ” vào tình cảnh khốn đốn. Thậm chí, cả người thân, bạn bè của “con nợ” cũng bị gây áp lực, quấy rối bằng nhiều cách để buộc “con nợ” phải trả món vay ngày càng phát sinh nhiều hơn do lãi suất bị đẩy lên tận mây xanh.

Một nạn nhân của “tín dụng đen” chia sẻ với báo chí: “Ban đầu vay lãi suất từ 1,5-1,75%/ngày và sau đó lãi mẹ đẻ lãi con. Thậm chí, tôi còn bị các đối tượng cho vay nặng lãi làm hợp đồng giả cách mua bán nhà, chuyển khoản chỉ 600 triệu đồng nhưng trong hợp đồng mua bán nhà photo để tới 3 tỉ đồng. Các đối tượng còn dùng thông tin, hình ảnh của tôi để tố cáo ngược lại cơ quan công an, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân tôi”.

Trên thực tế, nhằm loại bỏ “tín dụng đen”, các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình, gói cho vay tiêu dùng cá nhân nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Tuy nhiên, hiện một bộ phận không nhỏ người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen”, trong đó có lý do người dân chưa tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng vì nhiều thủ tục.

Tại tọa đàm chuyên đề mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng cường tham gia sâu hơn vào thị trường, tiếp cận khách hàng để đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân. Người dân dễ dàng vay vốn ở kênh chính thức, tín dụng đen sẽ bị thu hẹp và đẩy lùi. Mặc dù vậy, ông Đào Minh Tú cũng cho rằng, việc đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen” cần sự nhất quán vào cuộc của các bộ ngành địa phương và các cơ quan chức năng. Đặc biệt là việc trấn áp đối với “tín dụng đen” phải được coi trọng trong các hoạt động của lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát (nếu trở thành vụ án).

“Tín dụng đen” thực chất là loại hoạt động phạm pháp, là một loại tệ nạn xã hội cần phải dẹp bỏ. Và bên cạnh việc mở rộng thị trường, vươn xa hơn nữa để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân thì các tổ chức tín dụng, ngân hàng nên phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương để tuyên truyền sâu rộng cho người dân về các chính sách, gói cho vay tiêu dùng; cũng như cảnh giác, tránh xa “tín dụng đen”, đặc biệt là vào những thời điểm giáp Tết Nguyên đán như hiện nay.

THẢO TRẦN

 
;
.