Xoay chuyển để qua cơn bĩ cực

Thứ Năm, 10/12/2020, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2020 được coi là năm “thất bát” nhất của ngành du lịch trên khắp toàn cầu. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự tính, năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới giảm khoảng 1,1 tỷ lượt khách, thiệt hại lên tới 1.100 tỷ USD, khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành du lịch mất việc làm.

Đối với ngành du lịch, năm 2020 là năm thực sự ảm đạm chưa từng có tiền lệ. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch, ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho 40% - 60% lao động mất việc làm, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; lượng khách quốc tế cả năm ước giảm 80% so với cùng kỳ. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ 10% -15%; tổng thu của ngành du lịch thiệt hại tương đương 23 tỷ USD. 

Sau 2 đợt dịch bùng phát, ngành du lịch trong nước khấp khởi mừng thầm chưa được bao lâu đã phải đối mặt với cú “sốc” mới, khi báo động đợt dịch thứ 3 bùng phát. Các biện pháp siết chặt trong phòng, chống dịch được kích hoạt trở lại với sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương và địa phương khi có ca mắc mới ở cộng đồng. Việc siết chặt công tác phòng, chống dịch đúng vào thời điểm chuẩn bị nghỉ lễ Noel, đón năm mới Dương lịch 2021 khiến cho tình hình kinh doanh du lịch có nguy cơ ảm đạm trở lại. Dù có chủ trương thực hiện “nhiệm vụ kép” trong tình hình mới, nghĩa là vừa chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, nhưng đối với ngành du lịch là cả một thách thức lớn, một bài toán khó có lời giải thỏa đáng.

Làm sao để vực dậy ngành du lịch trong an toàn, bảo đảm “nhiệm vụ kép” đang là bài toán khó, nhưng không phải bất khả thi. Nhìn ở góc độ “tích cực không chờ đợi”, COVID-19 cũng tạo ra những xu hướng mới và cách tiếp cận mới. Xu hướng làm du lịch và sử dụng sản phẩm du lịch mới hình thành theo các phương thức liên minh, dựa trên nguyên tắc hạn chế tiếp xúc; thay đổi vai trò, vị trí các phân ngành du lịch nội địa và quốc tế. Điều đó có nghĩa, cần cơ cấu lại ngành du lịch, sao cho việc kinh doanh thích ứng với tình hình mới, khi mà dịch COVID có thể vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu và xâm nhập, tái bùng phát tại Việt Nam là nguy cơ dễ xảy ra. 

Ở BR-VT, xu hướng chuyển đổi cách thức kinh doanh du lịch đã được ngành chủ quản và các DN du lịch tính đến. Đã có khá nhiều cuộc hội thảo, hội nghị liên quan được triển khai, nhằm tìm lối ra cho du lịch trong tình hình mới. BR-VT cũng được đánh giá là điểm đến an toàn trong suốt thời gian qua.

Có nhiều ý kiến cho rằng, để du lịch có thể thực hiện “nhiệm vụ kép”, có sự tăng trưởng khả quan nhưng vẫn bảo đảm chống dịch hiệu quả, chúng ta cần thực thi tốt các nhóm giải pháp phục hồi và tăng trưởng du lịch trong an toàn. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ các DN du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư. Thay đổi công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận tốt nhất các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch. Song song đó, cần huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, phù hợp với xu hướng 4.0, gắn với tiêu chí du lịch an toàn. 

Ngành du lịch cũng tính đến việc ưu tiên thực hiện các nội dung, số hóa toàn bộ dữ liệu hướng dẫn viên du lịch, DN lữ hành, cơ sở lưu trú; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho du khách tại các địa bàn trọng điểm; trong đó có các thông tin điểm đến an toàn, sản phẩm dịch vụ du lịch; khuyến khích các mô hình check in, đo thân nhiệt tự động để tạo cảm giác thoải mái cho du khách, mà vẫn bảo đảm an toàn. 

Thực tế cho thấy, hành vi du lịch và lựa chọn của du khách đã thay đổi do tác động của đại dịch COVID-19. Xu hướng du lịch nội địa, chia theo nhóm nhỏ, giãn cách giữa các cá nhân trong du lịch đã dần hình thành. Các cơ sở lưu trú, DN du lịch cũng chuyển hướng để đáp ứng nhu cầu an toàn trong dịch của khách nội địa. 

Lối ra tuy còn hẹp, nhưng không phải là không thể xoay xở được để các DN du lịch vượt qua cơn bĩ cực.

THẢO TRẦN

 
;
.