Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X hôm 10/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng.
Điều đó đã được chứng minh trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Cụ thể, trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948). Trung ương Đảng đã thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương và phát động phong trào thi đua để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trải qua 75 năm từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cách mạng Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi. Những thành quả đó có sự đóng góp to lớn của các phong trào thi đua yêu nước.
Mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi thời kỳ, mỗi vùng, miền, mỗi ngành nghề, mỗi giới… đều có những phong trào thi đua phù hợp. Trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, phong trào thi đua yêu nước càng được coi trọng. Mọi ngành, mọi giới và mọi địa phương đều có những phong trào thi đua thiết thực. Nhiều phong trào thi đua của ngành, giới được gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua chung của cả nước. Khí thế thi đua sôi nổi diễn ra ở mọi mặt của đời sống xã hội, từ khu dân cư đến cấp huyện, cấp tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, từ trường học đến công sở, nhà máy, xí nghiệp… như “trăm hoa đua nở”.
Các phong trào thi đua đã góp phần cho ra đời những sáng kiến hay; sản phẩm mới; làm tăng năng suất lao động; làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, giúp cải thiện, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Nhiều gia đình nghèo được giúp đỡ vươn lên. Diện mạo thôn xóm, phố phường khang trang; cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức thay đổi theo hướng tích cực. Tỷ lệ trễ hẹn hồ sơ hành chính ngày càng giảm. Hình ảnh chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ đẹp hơn trong mắt người dân.
Tuy vậy, hoạt động thi đua vẫn còn những hạn chế. Một số phong trào còn mang tính hình thức, không gắn với thực tế, không phù hợp. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các phong trào thi đua chưa chặt chẽ dẫn đến có những phong trào còn mang tính phô trương, chỉ thực hiện trong thời gian đầu, sau đó rơi vào quên lãng. Bên cạnh đó, công tác khen thưởng trong các phong trào thi đua có lúc, có nơi còn mang tính cào bằng. Quan niệm thành tích thuộc về cán bộ, lãnh đạo và tâm lý nhường nhịn khen thưởng cho cấp trên vẫn còn phổ biến, nhất là ở các cơ quan nhà nước. Do vậy, tỷ lệ nhân viên, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp được khen thưởng còn thấp.
Thành công của một đơn vị, tổ chức, cơ quan có đóng góp không nhỏ của những người lao động trực tiếp. Điều đó đòi hỏi việc khen thưởng phải công tâm, đúng người, chọn người xứng đáng, tăng tỷ lệ ở nhóm nhân viên, người lao động trực tiếp. Việc khen thưởng không kịp thời, không đúng người sẽ không tạo được tinh thần phấn đấu nơi người lao động, nhân viên và làm triệt tiêu động lực thi đua.
Năm 2020 chuẩn bị khép lại. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang tiến hành tổng kết năm và bình xét thi đua. Công tác biểu dương, khen thưởng người lao động, nhân viên trực tiếp lúc này càng phải được coi trọng. Một danh hiệu, một hình thức khen thưởng kịp thời không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực của người lao động mà còn tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa người lao động với nhau, qua đó thúc đẩy phong trào thi đua trong nội bộ, từ đó sẽ xuất hiện những cách làm hay, ý tưởng sáng tạo. Và khi đó, thi đua mới thực sự là động lực của sự phát triển.
NGUYỄN ĐỨC