Kinh tế hợp tác

Thứ Tư, 16/12/2020, 19:10 [GMT+7]
In bài này
.

Đang làm việc, chị Vân, chủ cửa hàng hoa quả gọi điện thông báo hủy đơn hàng là 3 thùng xoài tím mà tôi đặt từ tuần trước để gửi về quê làm quà. Chị bối rối xin lỗi và giải thích, để xảy ra tình trạng trên là do chủ vườn xoài đã “lật kèo”, bán hết cho thương lái thu mua xuất sang Trung Quốc. Tất nhiên là hơn chục đơn của những khách hàng khác cũng bị hủy giống tôi.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên mà đơn hàng trái cây bị hủy. Tôi hỏi chị Vân, tại sao không làm cam kết như hợp đồng chẳng hạn để tránh tình trạng bị “lật kèo”, chị cười: họ không chịu đâu em ơi. Lâu nay bà con nông dân vẫn có thói quen mạnh ai nấy làm, ai mua được giá có lợi hơn thì bán. Khi thương lái không mua, hàng ùn ứ không tiêu thụ được họ lại gọi chị nhờ bán giúp.

Câu chuyện trên có lẽ không còn quá mới trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tập quán mạnh ai nấy làm đã dẫn đến thiếu tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp lâu nay. Trong khi đó, việc liên kết giữa DN và nông dân cũng thiếu bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo, thuận mua vừa bán. Do đó, rất cần có một “nhạc trưởng” làm đầu mối, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đó chính là mô hình HTX.

Những năm gần đây, chủ trương phát triển HTX kiểu mới đã và đang được Chính phủ và ngành nông nghiệp đẩy mạnh. Thực tế, chỉ khi vào HTX, bà con nông dân không còn sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, nhỏ lẻ, manh mún, mà liên kết với nhau, liên kết với các DN. Vì vậy, bà con mới có thể sản xuất theo chuỗi: từ sản xuất, dịch vụ đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó nông sản làm ra mới đảm bảo chất lượng và có được đầu ra ổn định.

Điển hình như HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt (xã An Nhứt, huyện Long Điền), thành lập từ năm 1986, tập hợp 310 hộ với 1.080 thành viên, tổng diện tích canh tác trên 220ha (gieo trồng các giống lúa OM4900, OM5451, ML48), sản xuất trên 3.300 tấn lúa/năm. Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt Huỳnh Trung Thành cho biết, hoạt động theo mô hình kiểu mới là thực hiện chuỗi khép kín “sản xuất - sơ chế - tìm thị trường đầu ra”, HTX quy hoạch diện tích 20ha, với 28 hộ tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX An Nhứt còn liên kết với các DN, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Châu Đức, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu… để mở rộng đầu ra tiêu thụ nông sản. Chuyển đổi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng và môi trường. Nhờ đó, Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm lúa của HTX Nông nghiệp, dịch vụ An Nhứt trong 3 năm, bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2020-2021 đến hết năm 2023.

Tại diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2020 với chủ đề: “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” ngày 11/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, kinh tế hợp tác là 1 trong 4 thành phần kinh tế quan trọng của đất nước. Những thách thức và hạn chế nội tại đòi hỏi khu vực kinh tế này phải tăng cường liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác để tạo dựng hệ sinh thái bền vững, tương trợ nhau cùng phát triển. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành liên quan cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách; tiếp tục ưu đãi về thuế, vốn, đất đai cho kinh tế hợp tác để 5 năm tới, cả nước sẽ thành lập mới thêm 10.000 HTX, tổ hợp tác và thu hút khoảng 8 triệu lao động.

Cả nước hiện có hơn 145 ngàn HTX và tổ hợp tác, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Ngoài ra, hơn 17 ngàn HTX nông nghiệp hiện nay là một minh chứng khi đã thiết lập hàng ngàn chuỗi liên kết, chế biến tiêu thụ bền vững. Kinh tế hợp tác giúp giải quyết nút thắt lớn là sản xuất manh mún, hàng hóa không có tiêu chuẩn, không có khả năng cạnh tranh. Phát triển HTX sẽ là xu thế tất yếu để vừa bảo đảm phát triển kinh tế, môi trường, an sinh xã hội. HTX cũng là cơ sở để ngành nông nghiệp chuyển từ sản xuất quy mô hộ sang sản xuất tập trung, nhưng vẫn tôn trọng lợi ích của nông dân. Do đó, rất cần có những chính sách và cơ chế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững.

NGÔ GIA

;
.