Không chờ nước đến chân…

Thứ Ba, 01/12/2020, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối giờ chiều 30/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan, kết nối đầu cầu Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh để chỉ đạo triển khai khẩn cấp tất cả biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Sáng 1/12, hơn chục công an, dân quân đã phong tỏa con hẻm có 52 hộ dân sinh sống với 197 nhân khẩu trên đường Phạm Phú Thứ, phường 3, quận 6, TP.Hồ Chí Minh nơi ở của bệnh nhân 1347 - giáo viên dạy tiếng Anh lây nhiễm từ một trường hợp cách ly khác. Từng căn nhà trong con hẻm được phun thuốc khử trùng. Cùng với việc phong tỏa khu dân cư kể trên, TP.Hồ Chí Minh còn phải tạm ngưng hoạt động, phun thuốc khử trùng Trung tâm Anh ngữ Key English, quán karaoke và quán cà phê trên địa bàn. Lực lượng chức năng còn phong tỏa 1 căn nhà với 30 phòng ở tại đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Ngoài ra, 1 quán ốc ở quận 11 và phòng tập gym ở quận Phú Nhuận cũng được sát khuẩn. 

Bệnh nhân 1347 – ca lây nhiễm từ người cách ly như một gáo nước lạnh dội thẳng vào cộng đồng để mọi người cùng “bừng tỉnh” khi mà mức độ chủ quan có thể nói là đã khá cao trong suốt thời gian qua. 

Liên tục 3 tháng liền, cả nước “bình an”, không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng đã khiến cho nhiều người chủ quan, có nhiều nơi đã bắt đầu lơ là với phòng, chống dịch. Mới đây nhất, trước cảnh báo của Bộ Y tế về việc dịch có thể bùng phát trong mùa Đông Xuân, Thủ đô Hà Nội đã siết chặt công tác phòng, chống dịch bằng việc xử phạt với những ai không đeo khẩu trang nơi công cộng và những hành vi khác vi phạm quy định. 

Cũng trong ngày 30/11, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ra công điện khẩn gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an, GT-VT và Ngoại giao; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường giám sát, quản lý người nhập cảnh, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới đang có diễn biến phức tạp.

Vâng, COVID-19 đang diễn biến phức tạp, buộc các tỉnh, thành phải “nóng” lên với những biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả. 

BR-VT là một tỉnh thu hút đông du khách, mức độ giao thương cũng sôi động, nhất là ở thời điểm này, khi đang vào cao điểm chào đón năm mới dương lịch 2021. 

Ngay trong chiều 1/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã có cuộc họp nhằm đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống. 

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, những bài học kinh nghiệm của thời gian qua vẫn nên triệt để được áp dụng. Trong đó có việc triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định biện pháp chống dịch đã đề ra từ đầu, xuyên suốt các giai đoạn, đó là “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch” và nguyên tắc 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); Truyền thông sâu rộng, tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, dịch COVID-19 có thể còn căng thẳng và kéo dài đến hết năm 2021. Và trên thực tế, với mọi loại dịch bệnh thì tình hình chỉ lắng dịu khi có vắc xin và thuốc chữa đại trà. 

Bởi vậy, cả nước vẫn đang khẩn trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Với dịch COVID-19, ý thức của cộng đồng là vô cùng quan trọng, trong cộng đồng ấy, mỗi cá nhân luôn phải coi mình “có bệnh” để chủ động phòng tránh cho người xung quanh mình bằng các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn… Mỗi người có ý thức giữ mình thì cả cộng đồng sẽ an toàn, tâm lý chủ quan cần được loại bỏ hoàn toàn.

Không chờ “nước đến chân mới nhảy” luôn hữu dụng trong mọi tình huống, đặc biệt là với phòng, chống dịch!

THẢO TRẦN

 
;
.